Kinh tế

Giá vàng 5/6: Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước "bất động"

Giá vàng thế giới sáng 5/6 giảm nhẹ 1 USD/ounce, xuống còn 1.946 USD/oucne sau đà tăng vọt vào đầu ngày lên 1.950 USD/ounce.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới sáng 5/6 giảm nhẹ 1 USD/ounce, xuống còn 1.946 USD/oucne sau đà tăng vọt vào đầu ngày lên 1.950 USD/ounce. Thị trường vàng đang "chạy trước" thông tin cuộc họp quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tháng 6. Áp lực lạm phát đã giảm xuống nhưng vẫn còn quá cao để ngân hàng trung ương có thể báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách tiền tệ. Trong trường hợp lãi suất được giữ trong tháng 6, nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn có khả năng tăng thêm một đợt lãi suất trong mùa hè này. Sự thay đổi kỳ vọng về lãi suất đã tạo ra môi trường đầy thách thức đối với vàng.

Hội đồng Vàng thế giới vừa công bố khảo sát dự trữ vàng hàng năm của ngân hàng trung ương các nước. Trong số 59 ngân hàng trung ương được khảo sát từ ngày 7/2 đến 7/4, khoảng 24% cho biết có kế hoạch mua vàng trong 12 tháng tới nhằm đa dạng hóa các khoản nắm giữ, bảo vệ sức mua đồng tiền của họ và phòng ngừa rủi ro kinh tế. Nhu cầu dự trữ vàng của ngân hàng trung ương dù không trực tiếp đẩy giá vàng lên cao hơn nhưng hỗ trợ vững chắc cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào vàng.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vàng vào kho dự trữ vàng toàn cầu, đánh dấu tốc độ kỷ lục trong 3 tháng đầu năm kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 2000 của Hội đồng Vàng thế giới. Trước đó, năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua một lượng vàng kỷ lục, tăng dự trữ loại tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ suy thoái kinh tế và xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra.

Giá vàng trong nước

Ngày đầu tuần 5/6, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng/lượng - ổn định so với hôm qua. Đây cũng là mức giá được Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch đối với vàng SJC.Tương tự, các loại vàng trang sức, vàng nhẫn 24K cũng được doanh nghiệp giao dịch ổn định quanh 55,5 triệu đồng/lượng mua vào, 56,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn, vàng trang sức được duy trì ở mức cao - 1 triệu đồng/lượng, trong khi biên độ này với vàng SJC chỉ là 600.000 đồng/lượng.

Dù vậy, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn giá vàng nhẫn, vàng trang sức tới 10,5 triệu đồng/lượng dù cùng là vàng chất lượng 24K. Mức chênh lệch này không đổi trong thời gian qua, bất chấp thị trường trong nước không có sự biến động, thậm chí trầm lắng cả về giá lẫn sức mua.

Mức chênh lệch này được các doanh nghiệp lý giải do nhu cầu giao dịch trên thị trường thời điểm hiện nay sôi động hơn đối với vàng nhẫn, vàng trang sức. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức cũng theo sát đà tăng giảm của giá vàng thế giới hơn. Trong khi đó, nguồn cung vàng SJC ngày càng hạn chế và do giá loại vàng này cách biệt lớn nên sức mua cũng ít hơn.

Minh Hoa (t/h)