Tài chính - Ngân hàng

Giá vàng 31/7/2021: Giảm tại nhiều nơi

Giá vàng ngày 31/7 xuất hiện xu hướng giảm tại các hệ thống cửa hàng. Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt tuần ở vùng giá cao.

Giá vàng trong nước hôm nay ngày 31/7 điều chỉnh giảm trong khoảng 50.000 – 150.000 đồng/lượng.

Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và hệ thống PNJ, vàng SJC đồng loạt giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP HCM.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 56,55-57,27 triệu đồng/lượng

Trong khi đó, Tại Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC cùng giữ nguyên không đổi ở cả hai chiều giao dịch so với giá chốt phiên chiều hôm qua.

Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 56,48-57,93 triệu đồng/lượng.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 56,8-57,6 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên liền trước.

Tại phiên giao dịch cuối tuần hôm nay, giá trần mua vào của vàng miếng SJC đạt 56,48 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 57,93 triệu đồng/lượng.

Đối với vàng nữ trang SJC cũng ghi nhận giảm ở tất cả các loại. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 150.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K giảm 110.000 đồng/lượng và loại 14K giảm 90.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới phiên đêm qua vẫn giao dịch trong vùng giá cao nhất hai tuần 1.820-1.820 USD/ounce nhưng theo chiều hướng giảm nhẹ.

Lúc 22h30 đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch 1.823,20 USD/ounce, giảm 5,70 USD/ounce (0,31%).

Vàng giảm nhẹ trong bối cảnh chỉ số lạm phát lõi tháng 6 của Mỹ được công bố thấp hơn mức dự báo.

Bên cạnh đó, chỉ số thu nhập cá nhân của người Mỹ cũng đã tăng 0,1% trong tháng 6, đánh bại dự báo đồng thuận là giảm 0,3%.

Ngoài ra, tiêu dùng cá nhân thực tế trong tháng 6 đã tăng 0,5% sau khi giảm 0,6% trong tháng 5.

Đây là những thông tin tích cực với kinh tế Mỹ, cho thấy áp lực giá cả gia tăng nhưng trên thực tế không đè nặng quá nhiều lên người tiêu dùng.

Tại Châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 1,9% trong tháng 6 và cũng cao hơn dự báo là tăng 2,0%. Dù vậy, CPI tháng 7 tại khu vực EU không cho thấy lạm phát là vấn đề nghiêm trọng.

Nhận định xu hướng

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết, nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ giảm dần khi tăng trưởng toàn cầu phục hồi và lạm phát chỉ là tạm thời.

Theo đó, các ngân hàng trung ương có thể tiến tới tăng lãi suất, nâng lợi tức trái phiếu chính phủ từ mức đáy hiện tại và khiến vàng - vốn không mang lại lợi suất, trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng được hỗ trợ bởi các yếu tố trong đó có nhu cầu vàng trang sức phục hồi và khả năng đồng đô la suy yếu khi các thị trường mới nổi phục hồi.

Đồng bạc xanh yếu hơn sẽ khiến vàng thỏi được định giá bằng đô la Mỹ sẽ trở nên hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, sự gia tăng lạm phát gần đây cũng có thể khuyến khích các nhà đầu tư mua vàng – vốn được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, giá vàng sẽ đạt trung bình 1.835 USD/ounce trong quý 3 năm nay và 1.841 USD trong quý 4.

Giá vàng sẽ không tăng quá nhiều, trừ khi có đột biến, bởi tháng 8 thông thường sẽ là tháng du lịch của các gia đình trước khi trẻ em bước vào năm học mới.

H.H (tổng hợp)