Kinh tế

Giá vàng 13/2: Vàng thế giới tiếp đà giảm

Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch sáng nay niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.018,4 USD/ounce, giảm 6 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch sáng nay niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.018,4 USD/ounce, giảm 6 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Theo Kitco, vàng đang chịu áp lực từ các thị trường bên ngoài. Cụ thể chỉ số USD tăng nhẹ và giá dầu thô yếu hơn. Ghi nhận lúc 9h40 ngày 13/2, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,100 điểm (tăng 0,08%).

Ngoài ra các chỉ số chứng khoán Mỹ dao động gần mức cao kỷ lục cũng là tác động tiêu cực đối với thị trường vàng.

Giới chuyên gia nhận định giá vàng sẽ gắn chặt với dữ liệu kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn. Tuần này, giá vàng sẽ chịu tác động bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ với việc công bố báo cáo CPI tháng 1 và PPI tháng 1. Các thị trường cũng sẽ chú ý đến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần và doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1.

Mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế thế giới sẽ hướng đến một “cú hạ cánh mềm”. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, cơ quan này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1%, trong đó sự phục hồi mạnh từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới.

Giá vàng thế giới giảm khi chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ và những bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để có thêm manh mối rõ ràng hơn về đường hướng lãi suất của ngân hàng trung ương.

Theo chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metal, việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ được đẩy sang nửa cuối năm nay vì những dữ liệu được công bố gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh để FED bắt đầu tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 5.

Chuyên gia này nói thêm rằng nhu cầu mua vàng bị hạn chế do sự phục hồi gần đây trên thị trường chứng khoán. Jim Wyckoff đang kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt. Ông cho rằng, nếu dữ liệu được công bố không theo kỳ vọng, nó sẽ gây áp lực lên vàng.

Kết quả cuộc thăm dò của Reuters về chỉ số gia tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ cho thấy, các chuyên gia dự báo CPI sẽ tăng 0,2% trong khi CPI lõi dự kiến tăng 0,3% so với tháng trước.

Dữ liệu CPI của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (giờ Mỹ), tiếp theo là dữ liệu doanh số bán lẻ vào thứ Năm và dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ Sáu, trong khi các thị trường cũng đang chờ bình luận từ ít nhất 7 quan chức FED trong tuần này.

Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch nhận thấy khoảng 57% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5.

Giá vàng trong nước

Trong nước, hầu hết doanh nghiệp buôn vàng lớn tại Hà Nội và Tp.HCM đóng cửa nghỉ từ ngày 8/2 (tức 29 Tết). Tại một số địa phương, một số cửa hàng nhỏ lẻ mở tới 30 Tết.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC trong phiên cuối cùng năm Quý Mão - ngày 7/2 (28 Tết) ở mức 78,92 triệu đồng/lượng (bán ra) và 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào). Như vậy, trong năm Quý Mão, giá vàng miếng đã tăng khoảng 10,6 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 15,5%.

Đây là một mức tăng khá cao nếu so với lãi suất huy động của các ngân hàng phổ biến ở mức 3-6%/năm trong phần lớn thời gian năm 2023.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh và lập kỷ lục lịch sử trong phiên cuối cùng năm Quý Mão, đạt 66 triệu đồng/lượng (ngày 28 Tết). Sức cầu đối với mặt hàng vàng nhẫn và trang sức thường tăng ở thời điểm giáp và sau Tết.

Các doanh nghiệp như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Nhuận,... dự kiến mở cửa giao dịch lại từ 14/2 (tức mùng 6 Tết) và vàng trang sức được dự báo sẽ tăng mạnh trong tuần lễ Thần Tài năm mới. Các năm trước, giá vàng Thần Tài thường tăng thêm vài triệu đồng mỗi lượng so với trước Tết.

Trong thời gian nghỉ lễ, một số doanh nghiệp duy trì kênh bán vàng online. Khách mua - bán vàng vật chất trực tuyến và được giao hàng sau kỳ nghỉ Tết.

Minh Hoa (t/h)