Kinh tế vĩ mô

Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD

Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái 

Theo Báo Tin tức, Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ là 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 1,15 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Năm 2021, cả nước đã khai thác khoảng 32 triệu m3 gỗ, đạt 100% kế hoạch; trong đó, rừng trồng tập trung đạt 21,5 triệu m3; từ trồng cây phân tán và cao su 10,5 triệu m3, tăng  6,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, năm 2021, ngành chế biến gỗ cũng bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời.

Tổng cục cũng theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế; tổ chức các cuộc họp giao ban trực tuyến với các hiệp hội gỗ, lâm sản, các doanh nghiệp. Qua đó, tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Tổng cục Lâm nghiệp đã theo dõi và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ.

Hướng đến mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 

Báo Kinh tế đô thị đưa tin, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, nhất là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Đặc biệt, vẫn còn các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Nguyên nhân là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép. 

Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD và thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng…

Để thực hiện những mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp triển khai có hiệu quả 10 nhóm giải pháp đã đề ra. Trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tập trung phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững….

Hương Anh (tổng hợp)