Cộng đồng mạng

"Giá trị đích thực của mỗi con người không nằm ở nút like, nút chia sẻ về dịch bệnh Covid-19"

Theo nhiều chuyên gia, những người tung tin đồn thất thiệt về bệnh dịch Covid-19 lên mạng xã hội là những người muốn lợi dụng tình hình dịch bệnh để nổi, câu like, câu view thiếu hiểu biết. Nhưng, giá trị đích thực của mỗi con người không nằm ở nút like, nút chia sẻ…

Trong khi cả nước đang nỗ lực hết sức để chống dịch, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như biện pháp phòng tránh luôn được cập nhật kịp thời để người dân hiểu đúng và làm theo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn không ít người lợi dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin thất thiệt về dịch bệnh khiến dư luận hoang mang.

Những trường hợp đưa tin không đúng đã bị xử lý nghiêm, như 23 trường hợp đưa tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17. Hai trường hợp đăng tải lên facebook cá nhân thông tin thất thiệt “Hà Nội sắp vỡ trận vì dịch COVID-19” đã bị công an triệu tập và lập hồ sơ xử lý. Cũng mới đây nhất, Công an TP Hội An, tỉnh Quảng Nam xác nhận, đã triệu tập 14 đối tượng liên quan đến việc đăng tải, chia sẻ tin sai sự thật trên mạng internet về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố…

Không ít người đã bị xử lý vì đưa thông tin sai sự thật.

Không ít người vì “vạ miệng” mà đã bị xử lý, thế nhưng, nhiều người không rút ra được bài học, vẫn đăng tải những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội.

 Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho rằng: “Hiện nay, mạng xã hội đang chiếm ưu thế lớn trong đời sống xã hôi, chính vì thế, nhiều người coi đây là công cụ để được nổi tiếng và kiếm lợi. Nhiều người trẻ hiện nay, cả ngày chỉ ôm khư khư chiếc điện thoại để viết và khoe những gì mình thích, mình nghĩ lên mạng xã hội, không cần biết và quan tâm những lời nói, hành động đó sẽ gây ảnh hưởng ra sao”.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên không ít người đã lợi dụng để đưa thông tin không đúng nhằm nhận được nhiều lượt like, lượt chia sẻ, với mong muốn mình sẽ nổi tiếng.

Còn một số người khác thì trình độ thấp, kém hiểu biết. Nghe được tin về bệnh dịch đâu đó, không kiểm chứng đã vội đăng tải lên mạng xã hội và chính họ là người nhận hậu quả.

“Từ đây để chúng ta có thể sàng lọc được những người nào sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Giá trị đích thực của mỗi con người không nằm ở nút like, nút chia sẻ về dịch bệnh Covid-19 mà nó nằm ở tuyên truyền, đưa các thông tin chính thống từ bộ Y tế để chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho hay.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Cùng nói chuyện với PV về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ: “Việc tung tin thất thiệt, kiểu càng giật gân càng hót về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang cho mọi người là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đã có hình thức xử lý nặng tay đối với những người này, khi bị phạt họ cũng nhận ra được việc làm sai trái của chính mình. Tuy nhiên, để chấp dứt tình trạng này trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp chúng ta cần phải tuyên truyền hơn nữa để người dân nhận thức được tác động xã hội của việc đưa thông tin không đúng sự thật về dịch Covid-19”.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh phân tích, các tổ dân phố thông báo đến từng hộ gia đình ở địa bàn không nên đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh lên mạng xã hội. Hoặc phường có thể in tờ rơi những người xử phạt và quy định gửi đến từng nhà để mỗi gia đình cam kết không để những trường hợp tương tự xảy ra.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải có một chế tài đủ mạnh để đảm bảo một môi trường thông tin lành mạnh và sẽ là hành lang pháp lý cho việc phát ngôn.

Mai Thu