Đời sống

Giả thuyết vụ nổ thiên thạch làm biến mất thành phố 3.700 năm trước

Khoảng 3.700 năm trước, một thiên thạch có thể đã lao xuống Tall el-Hammam và nổ tung giữa trời khiến thành phố cổ đại này bị san phẳng.

Theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Scientific Reports, thảm họa xảy ra vào khoảng năm 1650 trước Công nguyên.

Tall el-Hammam, thành phố thời Đồ Đồng trong thung lũng Jordan, gần Biển Chết, đã bị hủy diệt bởi vụ nổ của một thiên thạch băng giá khổng lồ, lao với tốc độ 61.000 km/giờ về phía Trái Đất.

Tàn tích của thành phố cổ đại. Ảnh: Scientific Reports.

Các nhà khoa học tin rằng sự kiện thiên thạch phát nổ và phá hủy Tall el-Hammam có thể đã truyền cảm hứng cho câu chuyện về thành phố Sodom và Gomorrah, hai thành phố cũng nằm gần Biển Chết như Tall el-Hammam, trong Kinh Thánh.

Khi đó, Tall el-Hammam là thành phố lớn nhất trong số ba thành phố lớn của thung lũng, có thể coi như như trung tâm chính trị trong vùng. Tổng dân số của ba thành phố này là khoảng 50.000 người. Những công trình bằng gạch bùn tại Tall el-Hammam cao tới 5 tầng nhà.

Qua nhiều năm, các nhà khảo cổ nghiên cứu tàn tích của chúng và tìm thấy bằng chứng của một sự kiện hủy diệt với nhiệt độ tăng cao đột ngột. Ví dụ, các mảnh gốm bị chảy mặt ngoài nhưng bên trong vẫn nguyên vẹn.

Họ kết luận chiến tranh, hỏa hoạn, núi lửa phun trào và động đất khó có thể là nguyên nhân vì các sự kiện này không tạo ra đủ nhiệt để gây ra những dấu vết nung chảy như đã được tìm thấy tại tàn tích. Và thiên thạch rơi là lý do thích hợp nhất.

Do không tìm thấy hố va chạm ở Tall el-Hammam, nhóm nghiên cứu cho rằng thiên thạch xẹt qua bầu khí quyển rồi nổ tung thành một quả cầu lửa lớn cách mặt đất 4km. Vụ nổ mang sức mạnh gấp 1.000 lần bom nguyên tử dội xuống Hiroshima (Nhật Bản).

"Nhiệt độ không khí nhanh chóng tăng trên 1.980 độ C. Vải, gỗ lập tức bị thiêu cháy. Kiếm, giáo, gạch bùn, đồ gốm cũng bắt đầu chảy ra. Thành phố gần như ngay lập tức chìm trong lửa", Christopher R. Moore, nhà khảo cổ tại Đại học Nam Carolina, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Vài giây sau vụ nổ, tất cả những thứ còn lại hứng chịu một làn sóng xung kích với vận tốc 1.200 km/giờ, nhanh hơn cả những cơn lốc xoáy dữ dội nhất, phá hủy mọi tòa nhà và xén bay một cung điện cao 4 tầng. Không ai trong số 8.000 dân cư thành phố sống sót, động vật cũng vậy.

Một trong những bằng chứng quan trọng ghi lại độ khủng khiếp của vụ nổ là "thạch anh sốc". Ảnh: Scientific Reports.

Bằng chứng đáng chú ý nhất ghi lại độ khủng khiếp của vụ nổ là "thạch anh sốc" ở Tall el-Hammam. Đó là khoáng vật với các vết nứt chỉ hình thành dưới áp suất cực cao, tương đương việc đặt 68 chiếc xe tăng trên một ngón tay cái.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nồng độ muối cao trong lớp đất bị phá hủy của thành phố, nhiều khả năng do tác động của vụ nổ đến Biển Chết hoặc bờ biển. Vụ nổ có thể đã phân tán muối ra một khu vực rộng lớn, khiến cây cối khó phát triển, dẫn đến các thành phố xung quanh thung lũng Jordan bị bỏ hoang suốt hàng thế kỷ. Người dân có thể đã truyền miệng những chi tiết về thảm họa này qua nhiều thế hệ, tạo cơ sở cho câu truyện về Sodom và Gomorrah.

Thảm họa trên được tái hiện nhờ nghiên cứu kéo dài 15 năm của các nhà khoa học Mỹ và Canada ở nhiều lĩnh vực như khảo cổ, địa chất học, địa hóa học, khoáng vật học, cổ sinh vật học, trầm tích học, y khoa, chuyên gia về tác động vũ trụ.

Minh Hoa (t/h)