Đời sống

Gia tăng ca viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn Mycoplasma, chuyên gia khuyến cáo

Thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae (chiếm 30-40% số ca viêm phổi), trong đó có một số ca biến chứng nặng…

Thông tin trên An Ninh Thủ Đô, ThS.BS Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm này, tỷ lệ bệnh nhân mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện điều trị tại trung tâm.

Bệnh này gây ra bởi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae. Căn nguyên này có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh phổ biến nhất ở trẻ trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Đề phòng với triệu chứng của bệnh

Theo bác sĩ Hải, loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình bởi vì các triệu chứng của nó khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường. Bệnh này có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu.

Cụ thể, viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae có thể từ từ và bán cấp, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần.

Điều trị bệnh nhân viêm phổi do M.pneumoniae tại Trung tâm Nhi khoa- BV Bạch Mai

Khởi đầu trẻ có thể có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: Ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở, một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như: Đau đầu, đau cơ, đau ngực…

Con đường lây lan

Theo báo Tuổi Trẻ, về con đường lây truyền, bác sĩ Hải cho hay vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình, bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.

Các biến chứng nghiêm trọng (viêm phổi nặng, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…) thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong.

Với những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bác sĩ Hải khuyến cáo người dân đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường như sốt, mệt mỏi, ho dai dẳng tại các cơ sở y tế uy tín.

Về phòng ngừa lây nhiễm, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh Mycoplasma pneumoniae. Người dân cần được tư vấn về phòng chống nhiễm trùng và lây nhiễm khi có dịch. Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn này nên được áp dụng biện pháp phòng ngừa giọt bắn trong toàn bộ thời gian mắc bệnh.

Hồng Anh (Tổng Hợp)