Pháp luật

Giả mạo tin tức của VTV, Huấn "hoa hồng" có bị xử lý?

Luật sư cho rằng, nếu cơ quan chức năng làm rõ clip của Huấn "hoa hồng" là giả mạo đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đối tượng sẽ xử phạt hành chính.

 VTV khẳng định clip Huấn Hoa Hồng trao quà từ thiện là cắt ghép

Chiều 24/10, fanpage trung tâm Tin tức VTV24 đăng tải bài viết khẳng định video Huấn “hoa hồng” trao quà từ thiện là cắt ghép. Cụ thể, fanpage Huấn Hoa Hồng của Bùi Xuân Huấn đăng tải video cắt ghép từ chương trình thời sự tối 17/10. Nội dung video nói về việc các nghệ sĩ làm từ thiện tại các tại các tỉnh miền Trung.

Trong video giả, hình ảnh ca sĩ Mỹ Tâm trao quà cho 1 người dân được thay bằng ảnh của Huấn "hoa hồng". Cuối video, 1 giọng nữ đọc đè lên bản tin, giới thiệu tiểu sử của Huấn.

 VTV khẳng định clip Huấn "hoa hồng" trao quà từ thiện là cắt ghép.

 “Chúng tôi xin khẳng định rằng đoạn clip này là 1 sản phẩm cắt ghép. Cụ thể, trong bản tin của Chuyển động 24h phát sóng vào tối 17/10, nhân vật đứng cạnh ca sĩ Mỹ Tâm là 1 cụ bà sống ở vùng lũ từng được nữ ca sĩ tới tặng quà ủng hộ. Tuy nhiên, đoạn clip đang được chia sẻ lại thay thế bằng ảnh của Huấn. Trong suốt bản tin của Chuyển động 24h tối 17/10 cũng không hề nhắc tới Huấn”, trích bài đăng của fanpage trung tâm Tin tức VTV24.

Theo tìm hiểu, Fanpage của Huấn "hoa hồng" hiện có 1,2 triệu người theo dõi và được Facebook xác nhận thông qua dấu tích xanh. Tuy vậy, mạng xã hội này vẫn chưa có hành động cụ thể gì khi một trang có sức ảnh hưởng lớn chia sẻ tin giả.

Huấn “hoa hồng” (35 tuổi, quê Yên Bái) được dân mạng biết đến nhờ những video livestream khoe mẽ vàng bạc, tài sản, nói đạo lý và những phát ngôn gây sốc. Ngoài ra, Huấn cũng thường xuyên xuất hiện bên các “giang hồ mạng” khác như Khá “bảnh”, Quang “Rambo”, Dũng "trọc" Hà Đông…

Huấn "hoa hồng" có thể bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ việc này, LS. Nguyễn Hồng Lĩnh (đoàn luật sư Hải Phòng) cho biết, việc đưa tin sai sự thật, đăng tin giả, thông tin giả mạo trên mạng xã hội là hành vi vi phạm luật An ninh mạng.

Theo đó, trong trường hợp cơ quan chức năng làm rõ clip Huấn “hoa hồng” giả mạo VTV thì sẽ xử phạt hành chính đối với Huấn “hoa hồng” và có thể khóa tài khoản này nếu hành vi được xác định là nghiêm trọng. Trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.

LS. Lĩnh cũng phân tích thêm, hành vi giả mạo thông tin của kênh truyền hình Trung ương để đưa tin về từ thiện của Huấn làm ảnh hưởng đến uy tín của đài truyền hình Việt Nam, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức của nhiều người trong xã hội. Vì thế, trong trường hợp có căn cứ cho thấy Huấn “hoa hồng” đã thực hiện hành vi giả mạo để thu hút người đóng tiền từ thiện nhằm mục đích trục lợi thì có thể xem, xét đến dấu hiệu của hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đồng quan điểm, LS. Đặng Văn Cường (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi giả mạo VTV chỉ với mục đích nổi tiếng hơn mà chưa có hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi được xác định là “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm n, khoản 3, Điều 102, nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét đánh giá về một chuỗi vi phạm của chủ tài khoản này trong thời gian gần đây cũng như đánh giá mức độ tác động tiêu cực của tài khoản này đối với xã hội để xem xét có xử lý hình sự hay không, hành vi có được xác định là đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự hay không.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy hành vi của đối tượng là truyền đưa dữ liệu trái phép trên mạng internet đến mức nguy hiểm cho xã hội thì có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời có thể yêu cầu nhà mạng khóa tài khoản nếu như hành vi được xác định là sai phạm nghiêm trọng.

 

Trao đổi với báo chí, bà Đặng Thị Kim Chi, Thạc sĩ truyền thông, cho biết có 3 dạng video ngụy trang truyền hình gồm làm giả thương hiệu nhà đài, làm giả hình thức và cắt ghép nội dung. Cụ thể, ở loại đầu tiên, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài. Loại thứ hai, chủ sở hữu video sẽ nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Hiện một số quảng cáo thuốc Đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC… Loại cuối cùng tương tự trường hợp của Huấn "hoa hồng" khi cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh và thông điệp riêng.

N.Giang