Đa chiều

Giá mà cây biết nói

Muốn trồng phải có sự tính toán khoa học, phối hợp cả tình cảm và lý trí, cả khoa học và cảm xúc.

Hôm kia trên một tờ báo có tin “Hàng loạt cây hoa sữa nghi bị "tiêm thuốc chết dần”, theo đó hàng loạt cây hoa sữa trên một số tuyến đường của thành phố Buôn Ma Thuột “bỗng dưng bị héo”, có dấu vết đẽo vỏ.

Chắc là dân ở đấy chịu không nổi, nên bèn...

Thủ phạm của việc hoa sữa, một loại cây ngoại nhập, lan tràn là... nhạc sĩ Hồng Đăng.

Vị nhạc sĩ tài danh này, cho tới khi bài hát hoa sữa của ông nổi tiếng, thuộc dạng “vạn người mê” thì mới bật mí là, khi viết bài hát này, ông chưa từng thấy cây hoa sữa chứ đừng nói hoa. Thế mà “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em”. Làm sao mà quên được, lãng mạn thế, trữ tình thế, sâu lắng và say đắm thế...

Rồi chả hiểu sao ông nhạc sĩ Trương Quý Hải lại phổ bài thơ về hoa sữa cũng rất hay, có câu "hoa sữa thôi rơi". Và, nó bắt đầu thôi rơi thật.

Tôi, trong tâm thế người viết, cũng phải có tới cả mươi bài thơ lẫn báo ca ngợi hoa sữa. Và không chỉ tôi, dẫu sao vẫn mang tiếng thuộc giới lãng mạn, mà rất nhiều vị lãnh đạo, quản lý cũng mê. Và họ tìm cách đưa hoa sữa phổ biến về nơi họ quản lý.

Nhớ hồi đi qua đèo Mang Yang, con đèo được mang tên “cổng trời” này một thời rất hiểm trở. Và chuyện trồng cây trên những đỉnh núi hai bên con đèo này còn gian nan hơn nữa. Mỗi buổi sáng một công nhân đeo 1 gùi nặng, trong ấy là mấy bọc cây giống, mấy can nước và thức ăn bữa trưa. Họ leo lên đỉnh núi để trồng cây. Mỗi người trồng một số lượng cây theo quy định. Nước vừa là cho người uống, vừa là tưới cây. Cứ thế ngày này qua ngày khác, họ biến mấy cái núi trọc đầy bom đạn và cả dioxin ấy thành rừng xanh mát như hiện nay.

Một hôm qua đèo tôi dừng xe để nghỉ. Ơ kìa, mùi hoa sữa. Lần tìm thì thấy một hàng hoa sữa bên bờ thành hộ lan đang nở. Anh bạn đi cùng giải thích, ông Giám đốc lâm trường này mê hoa sữa từ bài hát của Hồng Đăng nên cho công nhân trồng hàng cây này. Nó cứ lặng lẽ lớn bên đèo chả ai để ý, cho tới ngày hoa nở bùng lên, ngào ngạt thơm, và lạ.

Lại nhớ hồi đọc tin, thành phố Đồng Hới quyết định chặt hàng loạt cây hoa sữa vì mùi nồng nặc quá, chịu không nổi.

Rồi lại cả cái tin, Hà Nội di chuyển hàng cây hoa sữa lâu năm lên bãi rác Nam Sơn để... hòa mùi.

Vân vân. Té ra hoa sữa cũng nhiều chuyện phết.

Tôi từng rất nhiều lần mê mẩn đi trên đường Nguyễn Du, Hà Nội. Đêm khuya, thoảng mùi hoa sữa. Ít thấy người kêu hoa sữa ở đây hôi. Thì ra những cây hoa sữa ở đây rất cao, hương nó tỏa lên trời. Cái còn lại lờn vờn mặt đất chỉ là thoang thoảng, nên chịu được.

Và, cái mùa thu Hà Nội ấy, nó dịu dàng lắm, nó lãng đãng lắm, nó nhẹ nhàng lắm, nó vu vơ lắm... nó khiến cho cái hương hoa sữa cũng nhẹ nhàng, dịu dàng theo.

Cũng như hàng cây hoa sữa bên đèo Mang Yang kia, nó rộng rãi thế, thoáng đãng thế, bao la bát ngát thế, hương nó tỏa ra mênh mông đấy, nên chỉ còn thoang thoảng, cộng với âm hưởng trữ tình của bài hát, của những câu chuyện, thành ra nó... chịu được.

Còn Đồng Hới. Trời ạ, nắng như thế, nóng như thế, gió như thế... mà hoa sữa trồng dày sít thế. Giữa trưa, nó đồng loạt... thơm, thì ngào ngạt hắc là đúng.

Sau Đồng Hới, nhiều thành phố "yêu hoa sữa" khác, nhất là ở phía Nam, cũng loại bỏ hoa sữa trong quy hoạch cây xanh thành phố của mình, dù nhiều nơi hoa cũng đã nở tưng bừng, cũng kịp đã có thơ và bài hát về nó, gắn với địa phương ấy, tất nhiên.

Và giờ tới Buôn Ma Thuột.

Tất nhiên người ta đang tìm nguyên nhân cây chết, nhưng khả năng dân chịu không nổi mùi, bèn... tìm cách làm cho cây chết là cao hơn.

Tôi thì nói thật, vẫn yêu hoa sữa. Hồi làm nhà, thấy có miếng đất trống, đã đi mua một cây về thuê người trồng, giờ nó cao chót vót. Và may, vì cao mà mùi nó không đặc sệt rồi trĩu xuống đất, mà bay lên nên hương chỉ còn thoang thoảng, nhẹ nhàng nên dễ chịu.

Thế thì tóm lại là sự hợp lý.

Muốn trồng phải có sự tính toán khoa học, phối hợp cả tình cảm và lý trí, cả khoa học và cảm xúc. Cả thành phố thoảng vài cây hoa sữa nó lại chả giá trị ư, thay vì tăm tắp mấy mét một cây, mà lại nắng, lại nóng...

Nhiều cây xanh dọc thị xã Ayun Pa bị cắt tỉa, chặt hạ. (Ảnh Thanh Tuấn/Lao động)

Cũng hôm qua, một tờ báo đưa tin: dọc các tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… của thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, đang  được trồng cây dầu, chiều cao từ 4-5m. Hầu hết các cây này được trồng ngay dưới đường dây điện, có cây được trồng sát với chân cột điện, nhà dân ven đường.

Một cây dầu ôm sát chân cột điện. Ảnh Thanh Tuấn

Giám đốc chi nhánh điện lực nơi này kiến nghị thị xã không nên, chính xác là không được trồng cây như thế. Nhưng ông Lê Đình Tiến - Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc UBND thị xã Ayun Pa cho hay, việc trồng cây xanh dưới đường dây điện là việc “bất khả kháng” do vỉa hè nhỏ, không gian hẹp... Sau này nếu có điều kiện, phía ngành Điện lực sẽ dời các trụ điện, dây điện ra xa hơn.

Hàng loạt cây dầu (1,7 triệu đồng/cây) được trồng dưới chân đường dây điện. Ảnh: Thanh Tuấn

Đấy, cây xanh nó phức tạp đến thế, chứ đâu đơn giản là cứ thích đâu trồng đấy, hoặc quăng cả tỉ bạc (dự án cây xanh của Ayun Pa) ra trồng cho sướng rồi sau đấy điện lực lại chi ra nhiều hơn thế để... di dời cột điện.

Cây không biết nói. Đành thế.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.