Dân sinh

Gia Lai: Xe tải chở mía gây mất an toàn giao thông

Những ngày này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn cao điểm vụ thu hoạch mía. Nhiều tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ khi vụ mía mới bắt đầu.

Ngày 8/2 (tức ngày 8 tháng Giêng âm lịch), PV Người Đưa Tin có mặt tại tuyến Tỉnh lộ 667 nối huyện Kông Chro và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Hàng ngày, hàng chục chuyến xe chở nguyên liệu mía ngang nhiên hoạt động. Để chở được nhiều, các xe này hàn thêm khung, nâng cao thùng.

Tại khu vực trước cổng 2 nhà máy, theo quan sát của Người Đưa Tin, có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi dài xếp hàng chờ nhập mía. Bên cạnh những chiếc xe chở mía gọn gàng, vẫn có hàng chục xe tải chất mía cao hơn cả phần cơi nới, có dấu hiệu quá khổ, quá tải nhưng không hiểu bằng cách nào đã lọt qua các chốt kiểm soát.

Thậm chí, nhiều xe còn được độ chế dàn khung trùm lên nóc cabin, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Mặc dù việc sắp xếp mía đã gọn gàng hơn trước nhưng các xe chưa thực hiện nghiêm chở đúng tải trọng xe.

Hiện, khu vực Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch mía. Người dân cũng như các nhà máy đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, thu mua. Vì vậy, đến hẹn lại lên, trên các tuyến Quốc lộ 19, 25 và các tuyến Tỉnh lộ 662, 667, 669, tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải về các nhà máy đường lại tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp.

Tại Trạm cân nguyên liệu đầu vào của Nhà máy Đường An Khê, qua quan sát số liệu hiện thị trên bảng cân điện tử, các xe chở mía có tổng tải trọng 50 tấn, thậm chí gần 60 tấn là rất phổ biến. Trong khi theo quy định, tổng tải trọng đối với các phương tiện này không được quá 30 tấn. Điều này cho thấy, nhiều xe tải đã chở quá gấp gần 2 lần tải trọng cho phép.

Cùng với đó, nếu đặt trạm cân xử lý ngay đầu các nhà máy dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông vì mỗi đơn vị chỉ có 1 cân tải trọng. Đồng thời, khi phát hiện quá tải lại thiếu địa điểm để hạ tải sẽ ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông cũng như tiến độ thu hoạch, thu mua của người dân, các nhà máy. Chính vì vậy, khi trạm chốt cân kiểm tra tải trọng xe của các lực lượng chức năng hoạt động ở khu vực nào thì tình hình vi phạm ở khu vực đó giảm. Nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi thì tình trạng vi phạm lại tái diễn. 

Đang vào vụ mía, hàng ngày có hàng trăm chuyến xe tải khổ lớn chở nguyên liệu mía từ các huyện Kong Chro, Kbang, Đăk Pơ về bãi tập kết tại Nhà máy đường An Khê.

Việc chở quá tải trọng diễn ra thường xuyên, liên tục khiến hệ thống giao thông tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, vào các giờ cao điểm tập kết nguyên liệu trong ngày, hàng đoàn xe tải quá khổ, quá tải đua nhau tiến về nhà máy gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để ngăn chặn xe chở hàng quá khổ, quá tải là vấn đề không hề dễ khi số lượng xe tải vào vụ thu hoạch nông sản nhiều, hoạt động trên địa bàn rộng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 tại các địa phương đang diễn biến phức tạp, các lực lượng phải tham gia công tác phòng chống dịch nên gặp không ít khó khăn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, khi phát hiện lực lượng chức năng đặt trạm cân để kiểm tra tải trọng, tài xế thường dừng xe hoặc chuyển hướng đi khác.