Sự kiện

Gia Lai thành điểm nóng, bộ Y tế viện trợ khẩn cấp để chống dịch

Trong thời gian ngắn, Gia Lai đã ghi nhận 13 người nhiễm Covid-19 nhưng lại gặp khó trong công tác xét nghiệm, bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cùng hỗ trợ tỉnh.

Chiều 2/2, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu của các địa phương có dịch Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đến chiều 2/2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số 6.500 mẫu xét nghiệm Covid-19 đã lấy. Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 4 huyện là: La Pa, Krông Pa, Thị xã Ayun Pa và TP.Pleiku.

Đặc biệt tại Gia Lai cũng mới ghi nhận 1 ca dương tính mới được phát hiện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Hiện đã có một số cán bộ y tế có nguy cơ cao tại các khoa được đưa vào cách ly tại khu cách ly của bệnh viện, đồng thời phong toả, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 có liên quan.…Ngay từ khi có các ca bệnh đầu tiên, cả hệ thống chính trị và ngành y tế của tỉnh đã khẩn trương tiến hành truy vết các trường hợp F1,  lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, Gia Lai đang gặp khó khăn trong năng lực xét nghiệm. Địa phương mới chỉ có khả năng xét nghiệm 200 mẫu/ngày. Vì vậy, tỉnh đã huy động sự viện trợ của viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai bị phong toả sáng 2/2.

Theo ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đến chiều ngày 1/2, Gia Lai đã thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 của khu vực của 4 huyện có ca bệnh tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa và kích hoạt Bệnh viện dã chiến tại Khu điều trị chất lượng cao trong khuôn viên bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt. Hiện đã thống nhất bệnh viện này sẽ là nơi tập trung các bệnh nhân nơi khác về để điều trị.

Tất cả các trường hợp mắc Covid-19 tại Gia Lai đa số không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có 1 trường hợp có triệu chứng tiêu hoá. Những trường hợp F0 khi xét nghiệm đều đã nằm trong khu cách ly. Khi xuất hiện dịch trong cộng đồng, đội truy vết của Gia Lai đã có hơn 200 người của ngành y  tế, bổ sung thêm 50 cán bộ tại khu vực đến hỗ trợ cho tỉnh phòng dịch.

“Với năng lực xét nghiệm của Gia Lai hiện còn hạn chế, chúng tôi đã tính phương án sẽ gửi mẫu tới các đơn vị hỗ trợ như viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, viện Sốt rét Quy Nhơn. Hiện Gia Lai có đặc thù riêng nên việc lấy mẫu khá khó khăn vì 4 huyện có ca bệnh đều là người dân thuộc miền núi vùng sâu, vùng xa, cán bộ khó lấy mẫu hết và nhanh được. Tuy nhiên đến nay, cơ bản người dân đã dần có hiểu biết, chúng tôi hy vọng sẽ lấy mẫu được nhiều hơn”, ông Chiến cho biết.

Trước đề xuất của tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng bộ Y tế lo ngại, nếu gửi mẫu về TP.Hồ Chí Minh hay Quy Nhơn là quá trễ, chưa kể nguy cơ vận chuyển mẫu đi xa có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, cần phải có phương án để triển khai nhanh.

“Hiện Gia Lai đang đang gặp khó khăn và đang bị chậm trong việc truy vết F1. Tỉnh phải làm thật nhanh, tập trung tất cả nguồn lực cho việc lấy mẫu xét nghiệm. Bộ Y tế sẽ điều ngay nhân lực từ viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xuống hỗ trợ, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cần chuẩn bị đầy đủ phòng ốc, điều kiện để Viện Pasteur có thể đến và thiết lập được cơ sở xét nghiệm tại chỗ. Trước mắt tỉnh cần tập trung xét nghiệm cho các đối tượng F1 trước, F2 sau”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Gia Lai đẩy nhanh tiến độ truy vết và xét nghiệm Covid-19.

Với bệnh viện đã có ghi nhận ca bệnh, hiện chưa có hiện tượng lây lan chéo nên địa phương chỉ bố trí phong toả các khoa nguy cơ, chỉ phong toả bệnh viện khi có hiện tượng lây lan chéo. Tất cả các trường hợp nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân cần lấy mẫu xét nghiệm ngay, đưa đi cách ly tập trung ngay lập tức, làm sạch bệnh viện để đưa bệnh viện hoạt động trở lại, hoặc đưa nhân viên y tế đến nơi khác. Đồng thời tiến hành xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân như đề nghị của địa phương.

“Ngay ngày mai (3/2), bộ Y tế sẽ cử đoàn công tác của Bộ vào trực tiếp chỉ đạo tình hình phòng chống dịch tại Gia Lai. Đồng thời bệnh viện Bạch Mai sẽ cử chuyên gia vào để thành lập bệnh viện dã chiến, thành lập bệnh viện dã chiến ở 1 nơi tập trung tại trung tâm tỉnh, không làm ở huyện vì sẽ không có nhân lực. Bộ Y tế cũng sẽ cử đội truy vểt của Đà Nẵng lên hỗ trợ cho Gia Lai”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Gia Lai tập trung thành lập một bệnh viện dã chiến tại trung tâm của tỉnh với công suất 200 giường bệnh, không thiết lập tại Bệnh viện huyện Yapa để tránh phân tán năng lực điều trị. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cử cán bộ về cắm chốt tại chỗ giúp Gia Lai truy vết ca bệnh, đội xét nghiệm của viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cũng khẩn trương xuống hỗ trợ vì những ngày tới là gần Tết Nguyên đán, đồng bào đón Tết sẽ rất quan ngại.