Giáo dục

Gia Lai: Phụ huynh vất vả vì con chưa được học bán trú

Các trường mầm non, tiểu học tại tỉnh Gia Lai chưa bố trí được các lớp bán trú, khiến hàng ngàn phụ huynh rơi vào cảnh khó vì không có thời gian đưa đón con.

Sau lễ khai giảng năm hoc mới 5/9, thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai phát đi thông báo “chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường”. Nhà trường chỉ thực hiện tổ chức cho học sinh hoạt động 2 buổi/ngày. Sau khi nắm được thông tin, hàng nghìn phụ huynh tỏ ra khá lo lắng vì không có thời gian đưa đón con đi học. 

Ngày 7/9, trò chuyện với PV Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Thanh, 30 tuổi, ngụ Tp.Pleiku lo lắng: “Hai vợ chồng mình đều là công chức nhà nước giờ làm việc bất di bất dịch. Sáng tranh thủ đưa con đi học, trưa cháu ăn nghỉ tại trường chiều tan làm đón về. Giờ các trường chưa tổ chức được lớp bán trú thật sự gia đình mình không có thời gian ngày 4 lượt đưa đón cháu được.

Do đó, không còn cách nào khác những ngày qua mình đành phải cho con nghỉ học. Không chỉ riêng gia đình mình mà hầu hết nhiều gia đình khác cũng bị xáo trộn về mặt thời gian, không thể nào hôm nào cũng chầu chực đưa đón được, rất bất tiện”.

Theo tìm hiểu của PV, tháng 8/2022, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu ngành giáo dục tạm dừng các khoản thu ngoài học phí đối với các trường công lập trên địa bàn. Trong số này, có cả khoản thu để phục vụ hoạt động bán trú ở các trường.

Tương tự, chị Đào Nga, có con học tại Trường Mầm non Hoa Phong Lan, Tp.Pleiku cho biết, việc nhà trường không nhận giữ trẻ buổi trưa khiến phụ huynh rất vất vả. Bản thân chị làm công chức đến 11h mới tan làm nên không thể kịp đón con, chuẩn bị đồ ăn cho con. 

Cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng, Tp.Pleiku, cho biết ngay khi nhận được thông báo tạm ngưng học bán trú, nhiều phụ huynh không đồng tình, chưa chịu đưa con đến trường. Toàn trường có 900 trẻ, hiện chỉ có khoảng 400 em đến trường.

Cô Thủy cho biết, việc không học bán trú dẫn đến nề nếp sinh hoạt, học tập, vui chơi của trẻ ảnh hưởng rất nhiều. Đồng thời, cuộc sống của phụ huynh cũng bị xáo trộn vì luôn phải lo lắng đến việc đưa đón con. Trong khi đó, nếu không tổ chức học bán trú, các trường công lập sẽ không duy trì được sĩ số học sinh, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Tp.Pleiku cho biết, địa phương có 41 trường mầm non, trường tiểu học với tổng cộng trên 14.000 học sinh bán trú. Sau khi có yêu cầu chưa triển khai thực hiện bán trú ở các trường, phòng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các phụ huynh. Do đó, đơn vị đã có văn bản gửi cấp trên đề nghị sớm có hướng tổ chức các khoản thu ngoài quy định.

"Nhu cầu của phụ huynh học sinh là cho con em học bán trú, ăn nghỉ tại trường là rất lớn. Tuy nhiên, hiện đã có chỉ đạo như vậy nên phải thực hiện",bà Thoa nói.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, việc yêu cầu tạm dừng thu các khoản ngoài học phí là để tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, ngoài học phí có rất nhiều khoản, trong đó có khoản phục vụ hoạt động bán trú tại các trường. Với quy định tổ chức học 2 buổi/ngày, việc đưa đón trẻ cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn cho phụ huynh khi không tổ chức dịch vụ ăn bán trú cho trẻ tại trường.

Qua khảo sát của các trường, tỉ lệ nhu cầu của phụ huynh cho trẻ ăn, ở bán trú tại trường khá cao, hầu hết các phụ huynh muốn gửi con cả ngày để an tâm công tác. Mặt khác, trẻ mầm non được ăn, ở bán trú tại trường theo chế độ sinh hoạt đảm bảo tính khoa học giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Ngày 7/9, liên quan đến vấn đề hàng nghìn phụ huynh đang lo lắng, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: 'UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho tạm thu các khoản thiết yếu để phục vụ tổ chức hoạt động bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và các hoạt động giáo dục phục vụ trực tiếp người học từ nguồn thu ngoài học phí, nhằm giải quyết vấn đề nóng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh".