Môi trường

Gia Lai: Điều tra vụ "lâm tặc" phá nát rừng huyện Mang Yang

Một đoàn gần 40 người, điều khiển 12 xe công nông độ chế vào phá rừng. Tại hiện trường “lâm tặc” quá đông, lãnh đạo xã phải xin huyện chi viện hỗ trợ gấp.

Ngày 20/2, liên quan đến vụ việc đoàn “lâm tặc” gồm hàng chục đối tượng điều khiển 12 xe công nông độ chế vào khu vực rừng cộng đồng làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai khai thác gỗ trái phép, táo tợn. Trao đổi với PV ông Võ Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng cho biết: “Sáng nay và những ngày qua, lực lượng của xã vẫn đang phối hợp với lực lượng lượng công an huyện, hạt kiểm lâm cũng như cộng đồng người làng Klah có mặt tại hiện trường để kiểm ra đo đếm, thống kê số lượng cây bị cưa hạ”.

Nhóm người vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Ông Huy chia sẻ thêm: “Nhóm lâm tặc không phải là người địa phương mà là người từ huyện khác kéo sang để khai thác gỗ. Các đối tượng này đi với một lực lượng “hùng hậu” khoảng 40 người. Cả đoàn đi trên 12 xe công nông độ chế, trang bị cưa xăng, nối đuôi nhau băng cắt đường xuyên rừng vào rừng cộng đồng xã để khai thác gỗ.

Khi nhận được tin báo của người dân, lực lượng của xã cùng người làng vào hiện trường phát hiện nhóm “lâm tặc” gồm người và phương tiện “hùng hậu” nên rất e dè”.

“Trước tình hình trên, lãnh đạo xã đã khẩn cấp báo cáo Chủ tịch huyện xin điều động công an huyện hỗ trợ. Khi lực lượng chức năng có mặt, 12 xe công nông độ chế có dấu hiệu của việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Hiện, toàn bộ xe và 6 cưa máy, hơn 1 m3 gỗ tang vật được đưa về trụ sở UBND xã Kon Chiêng tạm giữ, chờ xử lý".

Đoàn xe độ chế nối đuôi nhau vào rừng.

Theo ông Huy, sau khi xảy ra sự việc, người làng Klah tỏ ra hoang mang, lo sợ sẽ bị trả thù.

Do đó, những ngày qua ngoài công tác thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cán bộ của xã, công an huyện động viên, trấn an tinh thần để bà con yên tâm.

Trao đổi với PV, ông Yôi, SN 1979, ngụ làng Klah, xã Kon Chiêng lo lắng: “Nhóm người đi lấy gỗ không phải là người ở địa phương mình mà là từ huyện Phú Thiện. Họ băng cắt đường xuyên rừng theo hướng xã giáp ranh xa Pò Tó, huyện Ia Pa qua tràn qua. Nhóm người trên đi rất đông, cả đoàn xe cày nuối đuôi nhau vào rừng chứng tỏ không sợ sệt gì cả".

"Người làng mình được giao khoán bảo vệ rừng lo sợ sau này đi tuần tra, kiểm tra rừng sẽ bị nhóm người trên trả thù.

Trong rừng núi sâu thăm thẳm không biết được đường nào mà đề phòng cả.

Dù có nhiều người lo lắng, nhưng được sự động viên bảo vệ của chính quyền, người dân cũng bớt lo lắng phần nào”, ông Yôi nói.

Đoàn xe dừng lại tại vị trí có những cây gỗ to để đốn hạ.

Theo ông Yôi, sáng 10/2, một nhóm người trong cộng đồng làng đang đi tuần tra, kiểm tra rừng như thường lệ thì phát hiện một đoàn lâm tặc đi trên hàng chục xe công nông độ chế, mang theo cưa máy rầm rộ đi từ huyện Phú Thiện tiến tới cánh rừng làng Klah.

Tại đây, đoàn lâm tặc chia nhau ra các ngả tìm những cây rừng to, thẳng rồi dùng cưa máy triệt hạ. Phát hiện ra sự việc trên, người dân đã điện thoại thông báo cho chính quyền địa phương.

Đây là khu rừng khộp nhiều cây gỗ có đường kính từ 15-25 cm là cà chít, căm xe, gáo... bị chặt hạ.

Các gốc cây bị cưa hạ vẫn còn rỉ nhựa tươi, lá xanh nguyên. Lâm tặc chỉ cưa lấy phần thân giá trị, còn gốc, ngọn thì vứt bỏ lại hiện trường.

Rất nhiều cây gỗ sau khi bị cưa hạ, cắt khúc vẫn chưa kịp chuyển đi, nằm la liệt.

Ngoài ra, còn số lượng lớn gỗ đã được tập kết tại khu vực giáp ranh giữa làng Pi Dông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa và làng Klah để chuẩn bị chuyển đi.

Ông Trần Đức Đại, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, cho biết: "Cơ quan chức năng đã xác định được 12 người là chủ xe, đều trú tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận, mục đích tập trung xe công nông độ chế tại khu vực rừng cộng đồng làng Klah khai thác gỗ, sau đó vận chuyển về huyện Phú Thiện để làm nhà ở".

Theo ông Huy, rừng cộng đồng giao cho làng Klah quản lý rộng khoảng 400 ha.

Hằng năm, khu rừng này được nhận tiền từ Quỹ Dịch vụ môi trường rừng và từ dự án "Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai" (gọi tắt dự án KfW10) sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức.

Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho biết, đã chỉ đạo cơ quan Công an huyện cùng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang xử lý vụ phá rừng cộng đồng tại làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang.