Môi trường

Gia Lai: Dân ngao ngán vì trại chăn nuôi “bủa vây” khu dân cư

Tại xã Ia Piơr có đến 14 trang trại chăn nuôi, chỉ mới 3 trang trại đi vào hoạt động nhưng mùi hôi thối bao trùm khu dân cư khiến cuộc sống người dân bất an.

Trại heo tứ bề

Những ngày qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, liên tục phản ánh với PV về thực trạng ô nhiễm môi trường nguyên nhân trực tiếp do ảnh hưởng từ các trang trạng chăn nuôi trên địa bàn.

Anh Triệu Văn Phụng, thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, cho biết, cả thôn có 700 hộ dân, thời gian gần đây, bầu không khí bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối âm ỉ bắt nguồn từ các trang trại chặn nuôi, theo gió bao trùm cả thôn khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh khốn khổ, đi không được ở không xong. “Người lớn có thể chịu đựng được, chỉ tội những đứa trẻ con hằng ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, tình trạng này kéo dài bà con không biết sống ra sao”, anh Phụng nói.

Anh Hoàng Văn Niên, thôn Đoàn Kết cho biết, trước khi làm dự án, doanh nghiệp hứa sẽ không có mùi hôi, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc làm chưa thấy đâu nhưng mới có một số trang trại hoạt động đã hôi thối nồng nặc, nhiều người đang phải kêu bán nhà để đi nơi khác sinh sống. Nếu tất cả các trang trại đang xây dựng trên địa bàn mà đồng loạt đi vào hoạt động thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ còn rất nghiêm trọng, đấy là chưa kể việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của bà con.

Trại heo gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc. 

Theo tìm hiểu của PV, huyện Chư Prông có nhiều dự án chăn nuôi nhất tỉnh Gia Lai, riêng xã Ia Piơr đã có 14 trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng. Trong số đó, có 3 trang trại đã đi vào hoạt động gồm: Trang trại Nguyên Bảo, quy mô 24 nghìn con lợn thịt; trang trại Thuận Duyên 2, quy mô 1.200 con lợn nái; trang trại Ia Piơr Tân, quy mô hơn 2.200 con lợn nái; các dự án khác đang trong quá xây dựng hoàn thiện hoặc chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nhận thông tin từ người dân, đầu tháng 4/2023, UBND xã Ia Piơr đã có buổi làm việc với đại diện 3 dự án chăn nuôi lợn nói trên. Biên bản làm việc nêu rõ, hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thiện, nhưng có trang trại đã hoạt động 3 tháng, nuôi hàng chục ngàn con lợn thịt.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Phụng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr, cho biết thời gian qua xã đã nhận được nhiều phản ánh của bà con về vấn đề này. Xã cũng nhiều lần kiến nghị cấp trên thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cụ thể khi các trang trại hoàn thiện phải đảm bảo mới cho hoạt động. Như hiện nay, cấp uỷ chính quyền địa phương rất khó vì xã không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực này và xã cũng không đủ thẩm quyền xử lý.

Chưa đủ điều kiện vẫn hoạt động

Theo thông tin PV tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 46 dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, có 16 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô trên 43 nghìn con bò, gần 150 nghìn con lợn nái cung cấp khoảng hơn 3,5 triệu lợn giống/năm, 550 nghìn con lợn thịt; 13 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng, 17 dự án chưa triển khai xây dựng.

Điều đáng nói, trong số 16 dự án đã đi vào hoạt động có đến 13 dự án chưa được cấp phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, 4 dự án chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dựa theo quy định của Luật Đầu tư. Một số dự án khi đi vào hoạt động đã tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.

Các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có tổng quy mô hơn 43.000 con, cung cấp hàng chục ngàn tấn thịt và sữa mỗi năm. Tuy vậy, mới chỉ đóng góp cho ngân sách tỉnh Gia Lai 17 tỷ đồng, chủ yếu là các loại thuế thuế đất và các khoản phí. Đây cũng là bài toán dễ nhận thấy số tiền đóng góp cho ngân sách nhà nước rất hạn hẹp nhưng những tác động môi trường ảnh hưởng đời sống của người dân Gia Lai về sau này có thể là cực kỳ lớn. Do đó, trong một số cuộc họp, đã có nhiều ý kiến của sở, ngành liên quan cho rằng, tỉnh Gia Lai cần thận trọng trong việc thu hút các dự án chăn nuôi.

Liên quan đến vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, trước đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, đưa ra quyết định áp dụng mật độ chăn nuôi cho từng xã, đưa ra khuyến cáo việc tập trung nhiều dự án trên một xã hoặc các xã gần nhau thay vì áp dụng mật độ đến cấp huyện như hiện nay. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng khu vực triển khai dự án, đặc biệt là nguồn tiếp nhận nước thải cũng như ảnh hưởng đối với các dự án xung quanh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cũng đã có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án trang trại chăn nuôi, đảm bảo thực hiện nghiêm túc nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; truy thu thuế đối với một số dự án; trường hợp phát hiện có sai phạm thì kịp thời xử lý nghiêm, kể cả việc ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định.