Sự kiện

Gia Lai: Chuẩn bị phương án thành lập bệnh viện dã chiến

Thứ trưởng bộ Y tế nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai khẩn trương khoanh vùng dập dịch, lên phương án để thành lập bệnh viện dã chiến.

Chiều tối 3/2, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn công tác đã đến tỉnh Gia Lai, tiến hành kiểm tra các khu cách ly và làm việc với Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh này.

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, cho biết, ngày 29/1, tỉnh Gia Lai xuất hiện ca dương tính đầu tiên.

Lập tức, Ban chỉ đạo đã họp khẩn và xác định đây là ca bệnh nguy hiểm, thời gian kéo dài trong cộng đồng. Vì vậy, cần phải truy vết thật nhanh, phối hợp thông tin với các địa phương liên quan để cùng xử lý.

Tới chiều 3/2, xác định có 14 ca dương tính tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Tất cả 14 ca dương tính được xác định là chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Ngay khi đến tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng bộ Y tế cùng đoàn công tác kết hợp ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh kiểm tra tại các khu vực cách ly.

Theo vị Phó Chủ tịch tỉnh, địa bàn Gia Lai rộng với đường biên giới kéo dài khoảng 90km, người dân tộc thiểu số chiếm đến 44% cùng với hệ thống y tế còn hạn chế, nên công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp, đồng chí Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 mong muốn, nhận được sự hỗ trợ từ các cấp các ngành về kỹ thuật và chuyên môn, để Gia Lai sớm khoanh vùng và khống chế được ổ dịch, người dân yên tâm đón Tết.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm để nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, lập bệnh viện dã chiến ở bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, qua nắm bắt tình hình, được biết hiện nay trên địa bàn mỗi ngày mới chỉ xử lý được 300-500 mẫu xét nghiệm. Sáng mai (4/2), 1 máy chiết mẫu với công suất 1.500 mẫu/ngày từ Viện Pasteur Nha Trang sẽ có mặt ở Gia Lai để thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, mỗi ngày Gia Lai sẽ xét nghiệm được khoảng gần 2.000 mẫu. Nếu cần thiết, sẽ huy động thêm 1 máy nữa từ Viện Pasteur TP.HCM lên để đảm bảo xử lý 3.000 mẫu/ngày.

PGS-TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh: “Công tác lấy mẫu để xét nghiệm rất quan trọng, công suất lấy mẫu chưa đảm bảo được cho kế hoạch mở rộng, vì vậy địa phương cần tập trung tập huấn các cá nhân có nhiệm vụ lấy mẫu. Đến khi chúng ta mở rộng, cần có những kịch bản để xử lý, khoanh vùng xử lý nhanh”.

Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, bản thân ông được ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 giao làm Trưởng đoàn để vào xử lý dịch bệnh Covid-19 ở Gia Lai.

Ngay sau khi xuống sân bay, ông đã cùng với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và các cán bộ đi cùng cấp tốc xuống khu cách của thị xã Ayun Pa vàbBệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để thị sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng chống.

Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Ông Tuyên nhấn mạnh: “Phải chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến. Khi thành lập bệnh viện dã chiến thì chỉ chữa trị các ca Covid-19, tuyệt đối không được để các bệnh khác vào khám, điều trị.

Nếu làm bệnh viện dã chiến, trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa cần phải tính toán, hướng dẫn, phân luồng ngay vì nhân dân vẫn ốm, không thể bỏ mặc người dân.

Đối với trung tâm Điều trị chất lượng cao tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mới xây dựng, có cơ sở vật chất ban đầu đảm bảo, tuy nhiên khi làm bệnh viện dã chiến cần trang bị thêm cơ sở vật chất”.

Để xây dựng các bệnh viện, ông Tuyên giao cục Khám chữa bệnh cùng với bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, sở Y tế Gia Lai hướng dẫn công tác phòng chống dịch ở tuyến huyện có ca bệnh; Khảo sát thực tế cơ sở để lập bệnh viện dã chiến, đồng thời khảo sát toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai (kể cả quân y, tư nhân) để đưa lực lượng, cơ sở vật chất vào bệnh viện dã chiến.

Sau đó, xây dựng ngay phương án bệnh viện dã chiến và phân công nhiệm vụ cụ thể. Xây dựng lực lượng khoa, phòng gồm các bộ phận tiếp nhận, chữa trị và hậu cần; đồng thời cũng phải phân công nhiệm vụ cụ thể tại các khoa, phòng này.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đối với trang thiết bị, vật tư tại bệnh viện dã chiến, phải tính toán để có phương án huy động, mua sắm hoặc đề nghị hỗ trợ. Cuối cùng là xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.

Trong trường hợp tỉnh Gia Lai thiếu nhân lực, ông Tuyên gợi ý có thể huy động sinh viên ngành y năm 4,5 của đại học Tây Nguyên để tập huấn, phục vụ tại bệnh viện dã chiến.