Văn hoá

Gia Lai : Chiêm ngưỡng “bảo tàng mở” hơn 30.000 cổ vật quý hiếm

“Bảo tàng mở” tại quảng trường Đại Đoàn Kết khiến du khách thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng hơn 30.000 hiện vật cổ của các dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều hiện vật độc, lạ

Tiếp bước sau thành công ở giai đoạn 1, không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” trưng bày hơn 30.000 cổ vật các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại Đoàn Kết Tp.Pleiku (Gia Lai) giai đoạn 2, bổ sung thêm nhiều hiện vật lạ, độc đáo.

Đây là hoạt động do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm tổ chức và sẽ diễn ra trong một năm, kết thúc vào cuối năm 2024.

Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời, khẳng định hành động mạnh mẽ của địa phương trong thực hiện công ước bảo tồn di sản văn hóa với UNESCO.

Không gian trưng bày như một “bảo tàng mở” phục vụ hoàn toàn miễn phí để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhân dân khi đến với không gian Tây Nguyên ngay giữa lòng phố núi Pleiku.

Cổ vật được trưng bày tại quảng trường.

Ông Đặng Minh Tâm cho biết, đợt bổ sung này có thêm 2 căn nhà đặc trưng cho 2 nhóm dân tộc ở cực Nam Tây Nguyên là nhà dài Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk) và nhà của người Cơ Ho (tỉnh Lâm Đồng), góp phần hoàn thiện năm ngôi nhà đặc trưng cho 5 nhóm dân tộc điển hình ở Tây Nguyên. Đồng thời, bổ sung hơn 100 tượng gỗ cùng nhiều chục bộ tượng cây.

Không gian trưng bày có rất nhiều hiện vật cổ, quý hiếm gắn bó với đời sống, văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên như: công cụ dệt, các loại nỏ săn bắn, các nhạc cụ dân tộc, trang sức cổ, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, tượng gỗ, ghè, choé cổ… Thậm chí, có những hiện vật người dân có thể thấy trong các bảo tàng.

Đặc biệt, tại không gian trưng bày, triển lãm có những hiện vật cổ có một không hai như: ghế xương voi trắng có niên đại 700 năm cùng bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên có niên đại trên 100 năm của dân tộc M’Nông – Lào; trống đồng niên đại khoảng 2.000-2.500 năm ở tỉnh Lâm Đồng.

Cổ vật lâu đời biểu tượng dân tộc Tây Nguyên. 

Trải nghiệm văn hóa thú vị

Để đảm bảo các hiện vật ở đây không bị hư hại hay mất, ban tổ chức đã đặt nhiều camera xung quanh, tổ chức người trực bảo vệ 24/24h.

Ông Võ Văn Trung, nhân viên bảo vệ khu vực trưng bày, cho biết: “Các hiện vật nơi đây được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không xảy ra mất cắp. Từ khi có không gian trưng bày này, người dân và du khách đến đây tham quan, chụp hình rất nhiều, nhất là các ngày nghỉ lễ và dịp cuối tuần, có ngày có khoảng ngàn người đến đây”.

Chia sẻ cảm xúc khi đến đây, chị Lê Thị Thanh Thúy (giáo viên trường Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) bày tỏ: “Với tôi, các hiện vật, nhà sàn không còn lạ lẫm gì nhưng tham quan nơi đây tôi thấy mọi thứ rất gần gũi, cách bố trí đẹp. Tham quan trực tiếp cho mình nhiều trải nghiệm hơn về văn hóa các dân tộc, không gian đặt ở ngoài quảng trường tạo sự thông thoáng, hấp dẫn hơn”.

Bếp xưa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Thủy cùng bạn bè dẫn con từ huyện Ia Grai về phố Pleiku tham quan không gian trưng bày. Để lưu lại khoảng khắc đẹp, chị cùng vài người bạn đi thuê các bộ trang phục truyền thống, gùi chụp ảnh.

Tham quan không gian trưng bày, anh Nguyễn Công Duy (ngụ xã Trà Đa, Tp.Pleiku) vui vẻ nói: "Việc trưng bày các hiện vật Tây Nguyên rất hay, người dân dễ tiếp cận thay vì đi bảo tàng. Tuần nào tôi cũng tới đây”.