Thế giới

Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ tăng đột biến

Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 13 năm, một phần do nhu cầu của châu Âu về các nguồn năng lượng thay thế sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ.

Người Mỹ cho đến gần đây vẫn không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá khí đốt tự nhiên tăng chóng mặt ở các khu vực khác trên thế giới. Trong khi hóa đơn năng lượng tăng mạnh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đã tác động đặc biệt đến người tiêu dùng châu Âu, đe dọa hàng triệu người nghèo về việc sử dụng nhiên liệu.

Tuy nhiên, vào đầu tháng này, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã tăng đột biến lên mức cao nhất trong 13 năm là 8,78 USD (8,32 Euro) cho một triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBTU). Kể từ đầu tháng 3 cho đến nay, giá đã tăng gần 90%. Vào tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cơ quan chịu trách nhiệm phân tích việc sử dụng năng lượng trong nước, dự báo ​​giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm.

Mặc dù mức tăng giá đột biến tại Mỹ vẫn thấp hơn đáng kể so với châu Âu, nơi giá khí đốt tự nhiên gần đây đã đạt 37 USD / mmBTU, nhưng sự gia tăng này đã gây sức ép cho chính quyền Tổng thống Joe Biden vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn để ứng phó với tình trạng lạm phát cao. Tổng thống Joe Biden tuần trước đã thừa nhận rằng giá cả gia tăng là "một vấn đề khó giải quyết thực sự" và cảnh báo lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4, thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,3% so với một năm trước. Dù đã giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3 là 8,5%, lạm phát vẫn gần với mức cao nhất kể từ mùa hè năm 1982. Loại bỏ tác động của giá thực phẩm và năng lượng biến động, CPI lõi của Mỹ vẫn tăng mạnh ở mức 6,2%.

Lạm phát là mối đe dọa hàng đầu đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, sau bước tăng trưởng nhảy vọt vào năm ngoái. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2021 đạt 5,7%, mức cao nhất kể từ năm 1984.

Cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng Cameron LNG ở Hackberry, Louisiana, Mỹ. Ảnh: Sempra LNG.

Cảm nhận của người tiêu dùng 

Không giống như những đợt tăng giá xăng và dầu diesel gần đây đã nhận phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, các nhà phân tích cảnh báo rằng có thể mất thời gian để người tiêu dùng cảm nhận rõ được tác động giá khí đốt tự nhiên cao hơn. Tuy nhiên, giá cao đã và đang tác động đến chi phí sản xuất và vận chuyển trong nhiều lĩnh vực kinh tế tại Mỹ.

Ông Pavel Molchanov, chuyên gia phân tích tại tập đoàn dịch vụ tài chính Raymond James & Associates, chia sẻ với hãng tin DW: "Khí đốt tự nhiên ảnh hưởng đến giá điện, giá nhựa và các sản phẩm hóa học khác".

Một số yếu tố được cho là nguyên nhân khiến giá cả tăng vọt, bao gồm xung đột Nga-Ukraine. Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu chạy đua để đảm bảo nguồn cung thay thế và cắt giảm nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga, nhu cầu về khí đốt của Mỹ đã tăng vọt.

Trong đó bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Mỹ hiện là nhà xuất khẩu lớn hàng đầu. Các nhà sản xuất LNG của Mỹ đang đối mặt với khó khăn để tăng công suất đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu.

Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) cho biết dự trữ khí đốt của Mỹ đã ở mức thấp nhất trong vòng ba năm vào cuối mùa đông do nhu cầu sưởi ấm đặc biệt cao. Hiện tại, thời tiết nóng bất thường ở nhiều vùng của Mỹ dẫn tới người dân gia tăng sử dụng các hệ thống làm mát trong các tòa nhà thương mại và hộ gia đình.

Vấn đề nguồn cung  

Trong khi nhu cầu khí đốt tự nhiên đã phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch quan trọng vẫn chưa thực sự hồi phục. Tăng trưởng nguồn cung tại Mỹ hiện đang bị đình trệ ở hai khu vực sản xuất khí đốt tự nhiên chính: khu vực Appalachian gồm 13 bang từ nam New York đến bắc Mississippi và khu vực West Texas, nơi các công ty cho rằng đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng đường ống.

Hãng tin Reuters tuần này ghi nhận tại Appalachian, nơi cung cấp hơn 1/3 lượng khí đốt của Mỹ vào năm ngoái, các công ty năng lượng đang gặp khó khăn để xây dựng các đường ống mới. Theo Reuters, tăng trưởng sản lượng ở mỏ đá phiến Permi, nơi cung cấp khoảng 19% lượng khí đốt của Mỹ vào năm 2021, có thể bị chậm lại đáng kể trong năm tới nếu không sớm xây dựng các đường ống mới.

Chi phí cao và các vụ kiện tụng đã làm chậm quá trình xây dựng các đường ống mới, cùng với sức ép buộc các nhà sản xuất năng lượng và nhà đầu tư của Mỹ phải thân thiện hơn với môi trường và cắt giảm lượng khí thải cacbon.

Trạm xuất khẩu LNG của công ty Cheniere Energy ở Louisiana, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Ông Pavel Molchanov, chuyên gia phân tích tại tập đoàn dịch vụ tài chính Raymond James & Associates, cho rằng việc thiếu nguồn cung không phải là do các rào cản pháp lý mà phần nhiều hơn là do động lực thu lợi nhuận sau khi đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà sản xuất năng lượng Mỹ thua lỗ hàng chục tỷ USD.

Ông Molchanov giải thích: “Lý do khiến các công ty ít khai thác hơn là vì cổ đông của họ yêu cầu nhiều cổ tức hơn, mua lại cổ phần nhiều hơn thay vì tăng đầu tư vào việc khai thác mới”; "Sự sụt giảm trong thời kỳ đại dịch là ở mức nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ"; "Ngành công nghiệp hiện đang chi ít hơn so với năm 2019”.

Khi tác động của đại dịch đối với nền kinh tế dần được kiểm soát, các công ty năng lượng Mỹ đang đầu tư trở lại với chi vốn tăng 20% ​​đến 30% trong năm nay, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Ông Molchanov nhận định: “Chắc chắn cần phải chi nhiều vốn hơn, sự phục hồi đang diễn ra khá chậm do sức ép từ các nhà đầu tư”.

Phạm Hà Thanh (theo DW, CNBC)