Sức khỏe

Gia đình Úc đưa con sang Việt Nam mổ, kỹ thuật khó chỉ 2 nước làm được

Việc điều trị nang mật chủ bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ là kỹ thuật khó, Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới ứng dụng kỹ thuật thành công.

Gia đình Úc sang Việt Nam phẫu thuật

Ngày 5/12, PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội thông tin, bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi người nước ngoài mắc nang mật chủ, bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ (đây là kỹ thuật khó, Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới ứng dụng kỹ thuật thành công). 

Việc đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Việt Nam của gia đình người nước ngoài này không phải là một quyết định nhất thời, cảm tính mà là sự tìm hiểu cân nhắc rất kỹ. Khi đã đặt lên bàn cân cùng các trung tâm y khoa hàng đầu thế giới ở Pháp, Singapore, Úc, Việt Nam vẫn là nơi được "chọn mặt gửi vàng".

Gia đình bệnh nhi người Úc cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Ông R.W (bố bệnh nhi, quốc tịch Úc, hiện đang sinh sống tại Indonesia) chia sẻ, đầu tháng 10, gia đình phát hiện con gái 4 tuổi đi phân nhạt màu, sau 3 ngày kèm xuất hiện thêm đau bụng và nôn.

Gia đình đưa con gái đi viện khám, phát hiện bé mắc nang mật chủ. Gia đình vô cùng hoang mang, xin tư vấn thì được các bác sĩ chỉ định cần phẫu thuật mổ mở (là phương pháp nhiều quốc gia lựa chọn”.

“Do con gái còn nhỏ, gia đình vô cùng xót con và không mong muốn để lại sẹo dài mất thẩm mỹ. Chính vì thế, chúng tôi đã tìm hiểu và hỏi han các kỹ thuật tối ưu khác ở một số nước”, ông R.W chia sẻ.

Sau đó, ông R.W tình cờ đọc được một bài báo của PGS.TS Trần Ngọc Sơn- Phó giám đốc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) về kỹ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ. Nhận thấy đây là phương pháp xâm lấn rất ít so với mổ mở, ông R.Wđã tìm hiểu sâu và quyết định gửi email cho PGS.Sơn để trao đổi về tình trạng con gái mình.

Sau quá trình trao đổi, cả gia đình người Úc quyết định bay sang Việt Nam và đăng ký mổ cho con gái tại Trung tâm kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

“Ban đầu gia đình vô cùng băn khoăn, vì họ chưa đến Việt Nam bao giờ. Tuy nhiên sau khi sang thì họ vô cùng bất ngờ bởi trang thiết bị, thái độ phục vụ tại Việt Nam đều ngoài sức tưởng tượng”, PGS.TS Sơn - một trong hai bác sĩ trên thế giới đi đầu thực hiện kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ nang ống mật chủ chia sẻ.

Ê-kip phẫu thuật tiến hành mổ nang cho bệnh nhi.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, PGS.TS Sơn cho biết, bệnh nhi có ống mật dài tận 2cm, giãn thành hình thoi. Bình thường nang mật chủ giãn thành nang, ống mật chỉ dài 2-3mm. Nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ rất dễ gây ra biến chứng.

Sau khi khám và kiểm tra, ekip phẫu thuật tiến hành mổ nang cho bệnh nhi bằng phương pháp kỹ thuật cao nội soi 1 lỗ qua rốn. Mổ nội soi một lỗ thay cho các vết rạch riêng biệt (nội soi 4 lỗ), chỉ cần vết mổ nhỏ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi phục hồi nhanhh và có thể chạy nhảy chỉ sau vài ngày. Bệnh nhi được theo dõi sau mổ 7 ngày và được xuất viện về nước.

Theo PGS.TS Sơn, phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ có ưu điểm ít đau, ít gây tổn thương thành bụng, vết thương nhanh lành và không để lại sẹo xấu.

Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi rất nhiều động tác. Chẳng hạn bác sĩ phải cắt túi mật, sau đó cắt ông mật chủ bị giãn thành nang, cắt đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật. Việc thực hiện tất cả công đoạn này bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ lại khó hơn rất nhiều.

Thách thức lớn nhất là tư thế thao tác, chúng ta đều biết con người khi làm việc tay phải tạo thành góc mới có thể thao tác dễ dàng, cũng như khi phẫu thuật sẽ giúp dễ xử lý để các dụng cụ không chạm vào nhau.

Thực hiện mổ nang bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ.

“Trong khi đó, với phẫu thuật nội soi một lỗ, khi dụng cụ chỉ đi qua vết rạch dưới 2cm, các dụng cụ gần như đặt song song. Đôi tay lúc này như bị “bó lại”, thao tác đặc biệt khó. Tất cả động tác, bác sĩ phải thay đổi so với phẫu thuật thông thường vì không gian quá chật hẹp.

Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ có ưu điểm ít đau, ít gây tổn thương thành bụng, vết thương nhanh lành và không để lại sẹo xấu”, PGS.TS Sơn cho hay.

Bước tiến mới đối với ngành y tế

PGS.TS Sơn cho biết thêm nang mật chủ là bệnh lý về gan mật, điều trị ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là bẩm sinh, các dị dạng này hình thành ngay từ khi còn là bào thai. Bên cạnh đó, có giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất là do còn tồn tại ống mật tụy khiến dịch tụy trào ngược lên hệ thống dẫn mật, lâu ngày gây ra bệnh lý giãn ống mật chủ.

Theo thống kê nước ngoài bệnh nang mật chủ rất phổ biến ở vùng Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong khu vực nguy cơ cao. Tần suất có thể gấp 10 lần ở vùng khác.

"Dị tật này không điều trị, sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị viêm mật tái diễn, có thể âm thầm hoặc có biến chứng. Nếu để lâu sẽ dẫn đến xơ gan, viêm mật cấp, đau bụng, sốt, gây tắc mật, vàng da….Trường hợp nặng gây viêm tuỵ, thủng, hoaị tử phúc mạc tử, hoặc không điều trị có thể dẫn đến tử vong. Hoặc có nhiều trường hợp không điều trị khoảng 15 năm sẽ dẫn đến ung thư gan”, BS.Sơn nói.

PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ với báo chí về ca mổ.

Theo PGS.TS Sơn, bé gái 4 tuổi này cũng là bệnh nhân nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam để điều trị nang ống mật chủ bằng phương pháp nội soi một lỗ.

Tính đến nay, PGS.TS Sơn đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhi bị nang ống mật chủ bằng phương pháp mổ tiên tiến này. Biến chứng nhiễm trùng chỉ ở mức dưới 1%, đây là con số rất thấp.

Ngoài ra, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, phương pháp mổ nội soi một đường rạch còn ứng dụng để điều trị ở nhiều bệnh lý khác, điển hình như thoát vị bẹn, đã phẫu thuật cho hơn 4000 trẻ. Ngoài ra, còn kể đến cắt năng buồng trứng, cấp cứu ruột thừa, cắt thận mất chức năng…

“Việc người nước ngoài biết đến và tin tưởng là một bước tiến mới đối với ngành y tế Việt Nam, đây là sự chuyển biến rất tích cực và đáng tự hào. Để dạt được những thành công này, không thể thiếu sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố, sở y tế và bệnh viện để phát triển các kỹ thuật mới”, PGS Sơn nhấn mạnh.