Thế giới

Gia đình tài phiệt phía sau tập đoàn Samsung

Samsung là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, và người đứng đầu tập đoàn cũng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Khi nói đến Samsung, người ta thường nghĩ ngay đến điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết rằng ảnh hưởng của tập đoàn này đã vượt xa các thiết bị điện tử.

Samsung đã được công nhận toàn cầu vào những năm 1970 khi bắt đầu sản xuất hàng loạt thiết bị gia dụng, và nhanh chóng trở thành một "đế chế" tiêu dùng với hàng chục công ty con hoạt động đa lĩnh vực, từ điện tử đến khách sạn, thậm chí còn điều hành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hàn Quốc. 

Thành phố Kỹ thuật số Samsung, "đại bản doanh" của tập đoàn Hàn Quốc. Ảnh: Samsung

Samsung đã kiếm được khoảng 77.000 tỷ won Hàn Quốc (54 tỷ USD) trong quý III/2022 và có giá trị vốn hóa thị trường hơn 280 tỷ USD. Tập đoàn này chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc. Đây là mức đóng góp đơn lẻ vào loại cao nhất của bất kỳ công ty nào trên thế giới.

Mô hình kinh doanh của các chaebol

Samsung là một tập đoàn gia đình lớn, thường được gọi là chaebol ở Hàn Quốc. Hyundai và LG cũng là các chaebol ở quốc gia này.

Tập đoàn Samsung (có nghĩa là “3 ngôi sao” trong tiếng Hàn Quốc) ban đầu là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh cá khô, mì và các sản phẩm nội địa khác, được thành lập bởi ông Lee Byung-Chull vào năm 1938.

Trong những thập kỷ qua, công ty đã đa dạng hóa sang lĩnh vực bảo hiểm, tài chính tiêu dùng, điện tử, khách sạn, xây dựng và một số ngành khác thông qua một loạt thương vụ mua lại và đầu tư.

Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (giữa) cùng vợ, bà Hong Ra-hee (trái) và con gái Lee Seo-hyun. Ảnh: Tribune India

Samsung hiện đang điều hành khoảng 80 công ty con. Gia đình họ Lee đã nghĩ ra những phương thức sáng tạo để giữ quyền kiểm soát công ty nhiều nhất có thể.

Hiện chỉ có 19 công ty con của Samsung được giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Gia đình họ Lee sở hữu đủ cổ phần trong mỗi công ty con, cả trực tiếp và gián tiếp, để điều hành toàn bộ công ty.

Ví dụ, Samsung Electronics được sở hữu một phần bởi 2 công ty con khác: Samsung Life Insurance và Samsung C&T. Trên giấy tờ, chủ tịch Lee Jae-Yong của Samsung có cổ phần cá nhân nhỏ hơn nhiều so với một trong 2 công ty con đó.

Ông Lee Jae-young vừa lên chức Chủ tịch Samsung vào tháng 10/2022. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, ông Lee cũng nắm giữ cổ phần lớn trong các công ty con nên quyền kiểm soát của ông đối với Samsung Electronics gián tiếp tăng lên. Nói cách khác, các công ty con của Samsung sở hữu các bộ phận của nhau, giúp gia đình họ Lee nắm quyền kiểm soát cả tập đoàn. Kiểu sở hữu chéo này rất phổ biến ở các chaebol Hàn Quốc.

Bên cạnh gia đình họ Lee, Dịch vụ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc cũng nắm giữ 8,6% cổ phần của Samsung Electronics. Các nhà đầu tư tổ chức lớn, cả Hàn Quốc và quốc tế, cũng nắm giữ cổ phần đáng kể trong Samsung và các công ty con. Chẳng hạn, công ty quản lý quỹ BlackRock có trụ sở tại New York nắm giữ cổ phần lớn thứ ba của Samsung Electronics với 5% cổ phần.

“Thái tử” mới lên ngôi

Chủ tịch đương nhiệm của tập đoàn là ông Lee Jae-Yong, con trai của ông Lee Kun-Hee, người đã biến công ty xuất khẩu cá của cha mình thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Ông Lee, còn được biết đến với cái tên Jay Y. Lee, vừa nhậm chức Chủ tịch Samsung vào tháng 10/2022.

Với khối tài sản ròng ước tính trị giá 6,79 tỷ USD, ông là người giàu thứ hai ở Hàn Quốc và giàu thứ 320 trên thế giới, theo bảng xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg tính đến ngày 23/12).

Người đàn ông 54 tuổi từng lấy bằng đại học về Lịch sử Đông Á tại Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học top đầu Hàn Quốc trước khi hoàn thành bằng thạc sĩ tại Đại học Keoi ở Tokyo. Ông từng theo học tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard nhưng không lấy bằng, và sau đó gia nhập Samsung Electronics vào năm 1991.

Ông được thăng chức phó chủ tịch vào năm 2012, với nhiều thành tích trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại, TV và linh kiện - bao gồm cả việc thiết lập quan hệ đối tác với Apple và Google. Samsung hiện vẫn là nhà bán điện thoại lớn nhất sử dụng phần mềm Android của Google.

SM Town Coex, không gian triển lãm các đồ vật thuộc về nghệ sĩ của công ty SM Entertainment với màn hình LED của Samsung. Ảnh: Samsung

Trên thực tế, ông Lee đã lãnh đạo công ty kể từ khi cha ông bị đau tim vào tháng 5/2014. Với vai trò Phó Chủ tịch tập đoàn, ông Lee đã giúp giám sát sự phát triển của đơn vị thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Phần lớn tài sản của vị tân Chủ tịch Samsung đến từ cổ phần của ông trong Samsung Electronics, nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và công nghiệp. Ông nắm giữ 2% cổ phần của tập đoàn, theo hồ sơ được công bố tháng 10/2022.

Không chỉ kinh doanh, Samsung cũng chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa thông qua Bảo tàng nghệ thuật Leeum do Quỹ Văn hóa Samsung điều hành. Ảnh: Korea Travel Post

Công viên chủ đề Everland Resort do Samsung Everland, một công ty con của tập đoàn Samsung xây dựng và quản lý. Ảnh: Slash Gear

Ông Lee cũng sở hữu 18% cổ phần của Samsung C&T, công ty giao dịch công khai được thành lập sau vụ sáp nhập công ty Cheil Industries (công ty cổ phần trên thực tế của tập đoàn Samsung) và chi nhánh xây dựng và thương mại của tập đoàn này vào tháng 9/2015.

Các cổ phần đại chúng khác bao gồm 10% Samsung Life Insurance, 9% Samsung SDS, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin được giao dịch công khai, 2% Samsung Engineering và Samsung Fire & Marine Insurance, theo hồ sơ của công ty.

Nguyễn Tuyết (Theo Android Authority, Washington Post, Bloomberg)