Văn hoá

Gia đình nhạc sĩ Văn Cao nói gì khi Quốc ca bị "nhận vơ" bản quyền?

Sự việc ca khúc Tiến quân ca - tức Quốc ca của Việt Nam bị BH Media giữ bản quyền đang gây nhiều ý kiến trái chiều và bức xúc trong dư luận.

Trong khi sự việc ồn ào liên quan đến chuyện BH Media tung "gậy bản quyền" đối với ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube chưa kịp lắng xuống thì mới đây BH Media lại gây phản ứng khi tự ý xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam.

Thông tin này ngay lập tức gây bức xúc trong dư luận, nhiều chuyên gia âm nhạc, nhạc sĩ cũng như khán giả yêu âm nhạc đều lên tiếng phản đối BH Media, cho rằng đơn vị này đang sai phạm nghiêm trọng.

Tiến quân ca - Quốc ca là tác phẩm âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

Chia sẻ về những ồn ào xung quanh bản Quốc ca của Việt Nam với Người Đưa Tin, đại diện của BH Media cho rằng: "Là tác giả của Tiến quân ca, cố nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm này. Bất kì ai muốn sử dụng tác phẩm, phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. 

Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc, kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm Tiến quân ca sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa.

Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kĩ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu".

Đại diện BH Media nói rõ thêm: "Hồ Gươm Audio khi sản xuất album có chứa bản ghi Tiến quân ca đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan cấp phép. Khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube, BH Media không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này".

"Bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất, tức là Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi. Bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép Hồ Gươm Audio. BH Media, chỉ là đơn vị được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm trên YouTube. 

Do đó, khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có ai đó upload video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. 

Nếu người dùng đăng tải bản ghi Tiến quân ca do họ tự đầu tư sản xuất khác với bản của Hồ Gươm Audio, thì YouTube sẽ nhận diện bản quyền. Bởi vậy thông tin "BH Media nhận sở hữu bản quyền cả ca khúc Tiến quân ca" là không chính xác" - Đại diện của BH Media chia sẻ với PV.

Vào năm 2015, đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam cho Quốc hội, toàn dân Việt Nam.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Hà Anh (vợ hoạ sĩ Nghiêm Bằng) - con dâu của nhạc sĩ Văn Cao thẳng thắn: "Gia đình có biết thông tin xung quanh về bà hát Tiến quân ca mấy ngày gần đây. Gia đình chúng tôi không uỷ quyền cho phía BH Media về việc sở hữu độc quyền ca khúc này trên mạng YouTube. Gia đình rất không bằng lòng với hành vi "nhận vơ" bản quyền của BH Media khi tự ý đăng ký quyền tác giả đối với ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam.

Vào năm 2015, gia đình đã hiến tặng bài hát Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam nên ca khúc đó không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về dân tộc, Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi hiến tặng với mong muốn Nhà nước và toàn dân sẽ hát vang Quốc ca trong các dịp lễ lạt, sự kiện quan trọng, các chương trình văn hóa – văn nghệ để tôn thêm lòng tự hào dân tộc mà không phải trả phí bản quyền.

Chúng tôi không muốn những chuyện ồn ào này, bởi bài hát Tiến quân ca là bài hát nói lên lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Chúng tôi không đồng ý với bất kỳ hành vi sở hữu độc quyền ca khúc này vì mục đích thương mại trên nền tảng số đối với bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào. Tất cả những hành vi đó đều sai trái và vi phạm pháp luật".

Theo đó, thể theo tâm nguyện của nhạc sĩ Văn Cao cùng toàn thể gia đình mong muốn hiến tặng bài Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các Ban, Bộ, ngành liên quan cùng với gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hoàn thiện dự thảo, tổ chức ký kết Văn bản hiến tặng bài Tiến quân ca vào ngày 28/12/2015 có chứng thực của công chứng theo quy định của pháp luật.

Đại diện gia đình, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Văn Thao, con trưởng của nhạc sĩ Văn Cao công bố văn bản hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Theo quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến quân ca có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị bài Tiến quân ca.