Tiêu dùng & Dư luận

Giá dầu tiếp đà tăng do đồng USD yếu và nguồn cung thắt chặt

Chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới Ả Rập Xê-út vào cuối tuần qua đã không mang lại bất kỳ cam kết nào về việc nhà sản xuất hàng đầu OPEC thúc đẩy nguồn cung dầu.

Giá dầu đã tăng hơn 5 USD vào hôm 18/7. Giá dầu được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không nâng lãi suất cơ bản thêm 1 % trong cuộc họp tiếp theo để chống lạm phát.

Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 5,11 USD tương đương 5,1% lên mức 106,27 USD/thùng hôm 18/7, trước đó đã tăng 2,1% vào 15/7. Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 8 tăng 5,01 USD tương đương 5,1%, lên mức 102,60 USD/thùng, trước đó tăng 1,9% trong phiên giao dịch trước.

Vào tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong vòng khoảng một tháng. Hôm 15/7, quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bày tỏ ngân hàng trung ương có thể sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0.75% trong cuộc họp ngày 26-27/7 tới.

Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch công ty tư vấn tài chính Ritterbusch and Associates LLC (Mỹ), cho biết: "Sự tăng giá mạnh mẽ ngày hôm nay chủ yếu là do đồng USD suy yếu đáng kể trên diện rộng, điều này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu biến động trong vài tuần qua".

Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh và Phát triển Jeddah tại thành phố Jeddah, Ả Rập Xê-út diễn ra hôm 15-16/7/2022. Ảnh AFP.

Tình hình nguồn cung dầu trên thế giới vẫn khan hiếm. Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Xê-út vào cuối tuần qua đã không mang lại bất kỳ cam kết nào về việc nhà sản xuất hàng đầu OPEC thúc đẩy nguồn cung dầu. 

Trong tuần trước, công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom đã tuyên bố với các khách hàng châu Âu rằng hãng không thể đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt vì những trường hợp "bất thường". Động thái của Gazprom làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng Moscow có thể không khởi động lại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào cuối thời gian bảo trì, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Điều này khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ đẩy nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.

Bà Helima Croft, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada), nhận định: “Rủi ro rõ ràng là Nga sẽ cắt giảm thêm nguồn cung năng lượng cho châu Âu, khiến châu Âu thiệt hại khi hỗ trợ cho Ukraine và áp đặt trừng phạt nhằm vào Nga”.

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Nếu loại trừ sự biến động giá của năng lượng và thực phẩm, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo hãng tin CNBC, phần lớn sự gia tăng lạm phát hiện nay tại Mỹ là do giá xăng dầu. Giá xăng dầu trong tháng 6 đã tăng 11,2% so với tháng trước và tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)