Thế giới

Giá dầu giảm khi thành phố lớn nhất Trung Quốc phong tỏa

Thông tin Thượng Hải phong tỏa đã thúc đẩy một đợt bán tháo mới từ giới đầu tư khi diễn biến thực tế trái ngược với kỳ vọng của họ.

Giá dầu đã giảm xấp xỉ 4 USD hôm 28/3 do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc sau khi giới chức Thượng Hải cho biết họ sẽ phong tỏa trung tâm tài chính hàng đầu đất nước để phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành phố trong vòng 9 ngày, Reuters đưa tin.

Thị trường bắt đầu một tuần nữa với những bất định đến từ một bên là cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa Ukraine và Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, và một bên là việc mở rộng các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu thô Brent giao sau giảm xuống mốc 116,00 USD/thùng, và giao dịch ở mức 116,77 USD, giảm 3,88 USD, tương đương 3,2%, lúc 01h31 giờ GMT ngày 28/3.

Giá dầu thô WTI giao sau đạt mức thấp nhất là 109,30 USD/thùng và giao dịch ở mức 109,98 USD, giảm 3,92 USD, tương đương 3,4%.

Trước đó, giá cả 2 loại dầu thô tiêu chuẩn đều tăng 1,4% hôm 25/3, ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên trong 3 tuần, với giá dầu Brent tăng hơn 11,5% và giá dầu WTI tăng 8,8%.

"Thông tin Thượng Hải phong tỏa đã thúc đẩy một đợt bán tháo mới từ giới đầu tư khi diễn biến thực tế trái ngược với kỳ vọng của họ. Họ đã mong đợi việc phong tỏa sẽ tránh được", ông Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng tại Fujitomi Securities Co., Ltd., cho biết.

Ông cho biết thêm rằng, thị trường đã bị ảnh hưởng bởi tác động của cuộc tấn công tên lửa vào một cơ sở phân phối dầu của Ả Rập Xê-Út hôm 25/3.

"Tuy nhiên, vì OPEC+ ít có khả năng tăng sản lượng dầu với tốc độ nhanh hơn những tháng gần đây, chúng tôi kỳ vọng thị trường dầu sẽ tăng trở lại vào cuối tuần này", nhà phân tích này nhận định.

Chính quyền thành phố Thượng Hải hôm 27/3 cho biết, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, với dân số hơn 26 triệu người, sẽ phong tỏa nửa Đông trong 5 ngày kể từ ngày 28/3. Lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu lực ở nửa Tây thành phố từ ngày 1/4.

Theo đó, tất cả các công ty và nhà máy trong vùng phong tỏa sẽ tạm ngừng sản xuất hoặc để nhân viên làm việc từ xa, sau khi thành phố ghi nhận kỷ lục hàng ngày mới về trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng.

Nhu cầu nhiên liệu được cho là sẽ giảm hơn nữa khi giao thông công cộng, bao gồm cả dịch vụ gọi xe, sẽ bị đình chỉ trong thời gian phong tỏa. Phương tiện cá nhân cũng không được phép sử dụng, trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp.

Thượng Hải bắt đầu phong tỏa một nửa thành phố từ 28/3/2022 do ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày. Ảnh: Japan Times

Hôm 25/3, lực lượng Houthi xác nhận đã tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ả Rập Xê-Út, và liên minh do Ả Rập Xê-Út dẫn đầu cho biết, trạm phân phối các sản phẩm xăng dầu của Aramco ở Jeddah đã bị đánh trúng, gây cháy 2 bể chứa nhưng không có thương vong, Reuters đưa tin.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 31/3.

OPEC+ cho đến nay vẫn từ chối các lời kêu gọi từ các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, bao gồm cả Mỹ, về việc tăng sản lượng đầu ra. Tổ chức này đã tăng sản lượng đầu ra thêm 400.000 thùng/ ngày (BPD) mỗi tháng kể từ tháng 8/2021 để dần khôi phục sản lượng đã bị cắt giảm khi đại dịch Covid-19 làm suy yếu nhu cầu.

Để giúp giảm bớt sự thắt chặt của nguồn cung, Mỹ đang xem xét thực hiện một đợt giải phóng dầu khác từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), có thể lớn hơn mức bán 30 triệu thùng vào đầu tháng này, một nguồn tin của Reuters cho biết.

“Tuy nhiên, một đợt giải phóng dự trữ nữa có thể gây lo ngại vì tồn kho vốn đã thấp hơn sẽ hạn chế việc giải phóng dự trữ thêm trong tương lai”, ông Saito cho biết.

Dự trữ toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, Reuters cho biết.

Minh Đức (Theo Reuters, Hindustan Times)