Góc nhìn luật gia

Giả dân quân tự vệ chống dịch, lấy tiền của người dân sẽ bị xử lý sao?

Nhóm thanh niên giả dân quân tự vệ chống dịch để lấy tiền của dân có thể bị truy cứu hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin đăng tải, ngày 4/8, công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với nhóm 6 đối tượng, độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi, đã có hành vi đóng giả lực lượng phòng chống dịch để cưỡng đoạt tài sản của những người dân. Cụ thể 6 thanh niên trên đã bàn bạc thống nhất với nhau, sẽ mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm người đi đường vi phạm quy tắc phòng chống dịch sẽ yêu cầu dừng xe để xử lý - với mục đích làm cho người vi phạm sợ phải đưa tiền. Trong quá trình đấu tranh điều tra, các đối tượng khai nhận, đã chiếm đoạt số tiền hơn ba triệu đồng từ ngày 29/7 đến ngày 3/8/2021.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Hành vi trên của các đối tượng cho thấy sự coi thường pháp luật của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay, bên cạnh đó còn làm ảnh hưởng vô cùng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

“Có thể khẳng định hành vi trên của 6 đối tượng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mà pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến hoạt động thi hành pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, chính hành vi đó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, tác động xấu đến an toàn chung của cộng đồng”, luật sư Hiền nói.

Vì không có thông tin chính xác về ngày tháng năm sinh của các đối tượng nên luật sư Hiền nhận định các đối tượng thuộc 2 độ tuổi: Khoảng 15 tuổi (sinh năm 2006) và khoảng 17 tuổi (sinh năm 2004).

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty luật Bảo Tín.

Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy đinh tại khoản 3 Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Vì bên cạnh việc chủ động thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối thì các đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội và thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Cụ thể: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”.

Luật sư Hiền cho biết: Căn cứ khoản 2 Điều 12 BLHS, các đối tượng 15 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dù thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Phụ thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ của các cá nhân và mức độ nghiêm trọng của hành vi, các đối tượng có thể bị xem xét áp dụng các biện pháp sau: Hòa giải tại cộng đồng (căn cứ điểm b khoản 1 điều 94 BLHS); Giáo dục tại xã phường, thị trấn (Căn cứ điểm b khoản 1 điều 95 BLHS); Giáo dục tại trường giáo dưỡng (căn cứ vào Điều 96 BLHS) hay Cải tạo không giam giữ (Căn cứ tại Điều 100 BLHS).

Còn đối với các đối tượng khoảng 17 tuổi (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), phụ thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ của các cá nhân và mức độ nghiêm trọng của hành vi, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 174 BLHS với khung hình phạt từ 07-15 năm.

Luật sư Hiền cho biết: Vì các đối tượng  từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên chỉ phải chịu ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định (căn cứ vào khoản 1 Điều 101 BLHS). Bên cạnh đó, các đối tượng này còn được miễn các hình phạt bổ sung vì là người dưới 18 tuổi phạm tội (Căn cư tại khoản 6 Điều 91 BLHS 2015 SĐ BS 2017).

“Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho người bị lừa đảo theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015”, luật sư Hiền nói.

Qua sự việc trên, luật sư Hiền cảnh báo: Người dân nghiêm chỉnh chấp hành các Chỉ thị và Công điện của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt tại các địa phương có diễn biến dịch bệnh đang căng thẳng như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Khi vi phạm xảy ra, người dân cần nghiêm túc chấp hành theo quy định xử phạt của pháp luật, không thực hiện các hành vi đút lót, hối lộ, góp phần xâm hại đến tính nghiêm minh trong hoạt động thực thi pháp luật.

Ngoài ra, mỗi công dân chỉ làm việc với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý, giải quyết; Chú trọng hoạt động giáo dục con cái, đặc biệt trong độ tuổi “mới lớn”. Phổ biến cho con về ý thức chấp hành pháp luật, đó là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ