Hồ sơ điều tra

Giả cô dâu, chú rể gây ra 101 vụ lừa đảo, 41 bị cáo lãnh án

Với thủ đoạn đóng giả cô dâu, chú rể để đặt tiệc của hàng chục dịch vụ gia chánh, 41 bị cáo đã thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngày 31/3 và 1/4, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 41 bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, H’Bluên Kriêng (SN 1985, trú tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã đứng ra bàn bạc, thống nhất với 40 bị cáo khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các dịch vụ gia chánh.

Theo đó, sau khi được H’Bluên bàn bạc thống nhất các bị cáo đã chia làm thành từng nhóm như: Đối tượng tìm gọi gia chánh, đối tượng đóng giả người có nhu cầu đặt tiệc (đám cưới, sinh nhật, mừng thọ...), đối tượng đóng giả cô dâu, chú rể, đóng giả chủ nhà nhằm mục đích tạo ra thông tin gian dối để các dịch vụ gia chánh tin tưởng đó là thật và ký hợp đồng đặt tiệc, cho ứng, mượn trước tiền để chuẩn bị đám, tiệc.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bằng thủ đoạn nói trên, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, 41 đối tượng đã thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng hơn 1,6 tỷ đồng của 13 dịch vụ gia chánh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau khi được các dịch vụ gia chánh cho ứng, mượn tiền, các bị cáo không đặt tiệc như đã thỏa thuận mà chiếm đoạt rồi chia nhau tiêu xài.

Liên quan đến vụ án này, bị can H’Mri Byă (trú tại xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar) sau khi khởi tố đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, tách ra xử lý theo quy định.

Tại phiên tòa, một bị cáo là một nam thanh niên chừng 30 tuổi thừa nhận, mình đóng giả làm chú rể và cũng có nhận tiền của người khác, tuy nhiên không có đám cưới nào diễn ra sau đó. Bị cáo nói rằng, chỉ đóng giả làm chú rể, trên thực tế bị cáo đã có vợ.

Với khuôn mặt hốc hác, bị cáo H’Ngon Niê (SN 1987, trú tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) cho biết, mình không được học hành và rất hối hận về những gì đã gây ra. Bị cáo nói, do hoàn cảnh quá khó khăn, con cái đông nên không đủ cái ăn nên không có tiền trả nợ. “Giờ mình biết mình sai rồi, mình mong được ở ngoài để làm lụng mà trả nợ. Chứ ở tù không trả nợ được, không ai nuôi con” – bị cáo H’Ngon nói tại phiên tòa.

Không riêng gì bị cáo H’Ngon, nhiều nữ bị cáo khác hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Họ chia sẻ, không nghĩ sẽ phải ra tòa vì phạm pháp. Bởi quá trình giả vờ đặt tiệc của các dịch vụ gia chánh, họ chỉ nghĩ mượn tiền ăn uống rồi trả. Sau khi được HĐXX và đại diện viện kiểm sát giải thích, phân tích, các bị cáo một lần nữa hiểu rõ về hành vi phạm tội của mình và mong được tại ngoại để cố gắng mà làm lụng, trả nợ cho các dịch vụ gia chánh.

Nhiều nữ bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được tại ngoại để làm lụng, kiếm tiền trả nợ.

Riêng bị cáo H’BLuên ngồi lẳng lặng trước vành móng ngựa trong khi HĐXX đặt câu hỏi với những bị cáo khác và lâu lâu ngoái nhìn người thân ở phía sau. Bị cáo H’BLuên bị cáo buộc là chủ mưu, đứng ra bàn bạc, đã cùng những người khác thực hiện 59 vụ lừa đảo đối với 11 dịch vụ gia chánh và chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

HĐXX nhận định, trong vụ án có nhiều bị cáo tham gia lừa đảo chiếm đoạt của một số dịch vụ gia chánh với số tiền lớn, tuy nhiên vai trò của từng bị cáo trong vụ việc là khác nhau nên cần xem xét. Theo đó, có 31/41 bị cáo có tình tiết tăng nặng vì thực hiện hành vi hai lần trở lên. Bên cạnh đó, hầu hết các bị cáo đều nhận được tình tiết giảm nhẹ như khai nhận hành vi, người đồng bào thuộc khu vực khó khăn.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo H’BLuên mức án 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng với tội danh nói trên, bị cáo H’Yăn Kbuôr (SN 1989, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị tuyên phạt 8 năm tù, một số bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 1 năm đến 7 năm 6 tháng tù. Có 10 bị cáo bị tuyên phạt 1 năm nhưng cho hưởng án treo và một bị cáo bị tuyên 9 tháng 17 ngày và đã chấp hành xong án.

Khánh Ngọc