Hồ sơ

Giả chết trục lợi bảo hiểm: Giỡn mặt tử thần và bí mật sau những cái chết giả

Dàn dựng cái chết của chính mình để người thân nhận được khoản tiền bảo hiểm kếch xù - đó được coi là một cách kiếm tiền dễ dàng mà rất nhiều người từng thử. Kịch bản họ nghĩ ra còn hơn một nhà biên kịch tài ba song cái giá phải trả là rất đắt.

Giả chết trục lợi bảo hiểm là tình trạng thường thấy ở Mỹ. 

Chồng giả chết, vợ đau khổ chết theo

Năm 2018, một người đàn ông Trung Quốc dàn dựng tai nạn xe hơi giả chết để người vợ được hưởng 1 triệu Nhân dân tệ tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, vì không nói với ai về kế hoạch này, người vợ thực sự tin rằng anh đã không còn sống trên cõi đời. Nửa tháng sau, người vợ vì quá đau buồn nên đã dẫn hai đứa con quyên sinh ở một cái ao gần nhà. Lúc này, người chồng mới đau đớn và hối lỗi vì bi kịch trái ngang mà mình gây ra. Anh ra tự thú với cảnh sát, khai rằng việc giả chết rốt cuộc cũng vì lấy tiền để chữa bệnh cho con gái ba tuổi bị động kinh. 

Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp giả chết dở khóc dở cười để trục lợi tiền bảo hiểm. Ngành bảo hiểm không lưu trữ dữ liệu về số lượng khách hàng giả chết hoặc ít nhất là không tiết lộ thông tin cho công chúng, nhưng theo Elizabeth Greenwood - tác giả cuốn sách mang tên "Playing Dead: A Journey While the World of Death Fraud" (tạm dịch: Giỡn mặt tử thần: Hành trình trong thế giới những cái chết giả) - ước tính, có hàng trăm trường hợp như vậy mỗi năm ở Mỹ.

Theo khảo sát của Liên minh chống gian lận bảo hiểm (CAIF) năm 2016, giả chết gian lận bảo hiểm là cách thức gian lận được sử dụng khá phổ biến. Mặc dù vậy, theo Steven Rambam, giám đốc công ty điều tra tư nhân Pallorium Inc., trên thực tế, các trường hợp này xảy ra nhiều hơn so với những gì mà các hãng bảo hiểm thừa nhận. Ông cho biết, mình đã điều tra hàng trăm trường hợp như vậy trong suốt sự nghiệp 10 năm qua. 

Một khoản thanh toán bảo hiểm đôi khi có thể lên tới hàng trăm ngàn USD, thậm chí một vài trường hợp gian lận có thể gây ra tác động tài chính quá lớn đối với một công ty bảo hiểm. Vì vậy, khi nghi ngờ cái chết của khách hàng có thể là giả mạo, các hãng bảo hiểm Mỹ thường thuê công ty điều tra tư nhân để xem xét vụ việc. 

Một khi đã chấp nhận là người “không còn trên cõi đời”, cá nhân đó phải sống một cuộc sống chui lủi, biệt tích và cũng chẳng khác gì đã chết. "Vấn đề lớn nhất là liệu bạn có thể cầm một cục tiền lớn và chấp nhận rời xa người thân cũng như từ bỏ mọi thứ trong cuộc sống này mãi mãi hay không?", tác giả Greenwood đặt câu hỏi.

Lịch sử của thủ đoạn giả chết nhằm trục lợi 

Jose Lantigua.

Giả chết trục lợi bảo hiểm là hình thức gian lận xuất hiện vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, theo John DeMarr, một nhà điều tra tư nhân thường xuyên hợp tác với các công ty bảo hiểm ở California. Thủ đoạn này được sử dụng bởi những người mới nhập cư đến Mỹ. Họ thường tìm cách gian dối để lĩnh bảo hiểm với sự giúp đỡ của bạn bè và người thân ở quê hương cũ. 

"Họ sẽ mua bảo hiểm và sau đó trở về quê nhà để dàn dựng tai nạn. Thậm chí còn có cả các dịch vụ tạo ra cái chết giả và hướng dẫn khách hàng lấy giấy chứng tử cho chính mình ", DeMarr tiết lộ.
Ở một số quốc gia châu Á và Nam Mỹ, các quan chức có thể bị mua chuộc để chứng nhận cho một người giả vờ chết. “Gia đình của người hưởng bảo hiểm đôi khi còn gửi tới công ty bảo hiểm những đoạn video ghi lại buổi đưa tang để làm bằng chứng cho thấy người thân họ đã qua đời”, DeMarr cho biết.

Tất nhiên, vì giả chết nên sẽ không có thi thể nào trong quan tài thực sự. Để tránh trường hợp bị các công ty bảo hiểm nghi ngờ và gửi nhân viên điều tra đến xác nhận, gia đình sẽ biến báo một cách khôn khéo. Trong tiếng khóc nấc của người vợ, công ty bảo hiểm được giải thích người chồng, người cha trong gia đình đã được hỏa táng ngay sau khi chết để vơi nỗi đau thương.

Ngoài ra, một trong những mẹo hay dùng khác là nói dối người đó đã chết mất xác trên biển."Rất nhiều cuộc điều tra mà tôi thực hiện cho các công ty bảo hiểm đều liên quan đến trường hợp nạn nhân vô tình ngã xuống biển chết mất xác. Hoàn toàn không còn bất kỳ dấu vết gì để xem xét ", DeMarr nói.

Không phải ngẫu nhiên các công ty điều tra tư nhân hợp tác với các hãng bảo hiểm lại ăn nên làm ra. Họ rất giỏi trong việc phát hiện các trường hợp giả chết trục lợi. Một khi các công ty điều tra được giao việc, họ sẽ sử dụng mọi công cụ, biện pháp để tìm hiểu xem đó là trường hợp được hưởng bảo hiểm hợp pháp hay chỉ là một trò lừa đảo ranh mãnh.

Thông thường, các công ty này sẽ tập trung vào khía cạnh đầu tiên đó là xem xét cá nhân đó có động cơ gian lận bảo hiểm hay không. Các nhà điều tra sẽ xem xét hồ sơ tín dụng cá nhân, những vấn đề xã hội gần đây mà đối tượng gặp phải. 

Chúng ta thường hay chọn cách bỏ trốn hoặc giả chết khi bị truy tố hình sự hoặc vỡ nợ. Nếu ai đó chết vài tháng sau khi vừa mua một gói bảo hiểm lớn, đó sẽ là một tín hiệu đáng nghi ngờ. Bên cạnh đó, các công ty sẽ ngầm theo dõi các hoạt động của những người thụ hưởng bảo hiểm để xem họ có liên lạc với người được cho là đã chết hay không.

"Bảo hiểm là một ngành kinh doanh mà lợi nhuận được coi là tối thượng. Các công ty bảo hiểm sẵn sàng đi xa đến mức đào cả quan tài lên để xem có cái xác nào trong đó không", David Cohen thuộc công ty Điều tra Texas cho biết.

Khó qua mặt

Một người sau khi giả chết thường tìm cách bắt đầu một cuộc sống mới hơn là chọn cách ở ẩn. Sau khi giả chết, "người quá cố" không bao giờ được phép liên lạc với những người bạn cũ hoặc đến thăm những nơi họ từng sống nếu không muốn bị bắt giữ. Vì khi mọi chuyện vỡ lở, họ thường phải ngồi tù vì tội lừa đảo.

Một ví dụ về gian lận bảo hiểm bị phát hiện gần đây là trường hợp của Jose Lantigua, một doanh nhân 63 tuổi ở Jacksonville, Florida. Người này đã giả chết ở Venezuela để chối bỏ các khoản nợ tài chính. Gia đình Lantigua đã lên kế hoạch để thu về 6,6 triệu USD tiền bảo hiểm.

Lantigua biến mất vào năm 2013 trong một chuyến đi đến Nam Mỹ với lý do chữa bệnh. Nhưng sau đó, Lantigua bị bắt khi đang sống dưới một cái tên giả trong ngôi nhà ở Bắc Carolina thuộc sở hữu của người vợ. Doanh nhân này đã bị kết án 14 năm tù vào tháng 2/2017 với các tội danh bao gồm: Gian lận ngân hàng và trộm cắp danh tính. 

Không ai rõ có bao nhiêu người còn đang giả chết ngoài kia, nhưng đó được coi là một lựa chọn bất hạnh và giằng xé. “Bạn phải sống vô cùng cô độc. Bạn chẳng còn tồn tại trên cõi đời này. Nếu bạn giả mạo thành công cái chết của chính mình có lẽ cuộc đời bạn cũng đã chết thật sự”, tác giả Greenwood nói.