Dân sinh

Giá cát tăng “phi mã”, Thừa Thiên- Huế dốc sức tìm vật liệu thay thế

“Để bảo vệ các con sông, những hạt cát từ đá thật là có ý nghĩa…”, trên hành trình tìm vật liệu thay thế cát cho tỉnh nhà, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tâm sự.

Hiện nay, tài nguyên cát trên các lòng sông ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng, đẩy giá cát tự nhiên trên địa bàn tăng cao. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tài nguyên cát trở nên khan hiếm, không chỉ kéo giá cát tăng cao mà còn khiến tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn ra ngày càng rầm rộ.

Giá cát tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xây dựng của người dân và doanh nghiệp.

Theo khảo sát thị trường cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay, giá cát đang ở mức cao kỷ lục, với giá giao động từ 300 - 350.000 đồng/m3 tại bãi, chưa tính cước vận chuyển. Mỗi m3 cát khi đến chân công trình có giá từ 400 – 500.000 đồng. Mức giá cao gấp hơn 3 - 4 lần so với những năm trước đây, nhưng không dễ gì mua được. Và theo dự báo, giá cát xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, bởi cung không đủ cầu.

Trước thực trạng giá cát tăng cao, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang loay hoay tìm phương án để giải quyết tình trạng này nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả.

Việc giá cát tăng đột biến dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép hoạt động mạnh, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc đưa ra phương án nghiên cứu dùng cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nhân tạo (cát xay), đá mi thay thế cát lòng sông đã được các cơ quan, ban ngành dốc sức tính đến và tìm phương án. Tuy nhiên, bài toán nghiên cứu và lựa chọn vật liệu thay thế cát xây dựng không hề đơn giản... Bởi, để nguồn tài nguyên cát không cạn kiệt, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu cung cấp vật liệu cho ngành xây dựng thì ngoài giải pháp về quản lý cũng cần có những giải pháp hiệu quả về công nghệ.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, quan điểm của UBND tỉnh là hướng đến chấm dứt khai thác cát với quy mô công nghiệp, sử dụng công suất lớn trên các dòng sông vào năm 2020. Và để khơi thông dòng chảy cục bộ tại một số khu vực, gắn với tạo điều kiện cải thiện cuộc sống người dân, tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình khai thác cát cộng đồng đã triển khai thí điểm các năm qua để vận hành trong thời gian tới. Đồng thởi, để đảm bảo cân đối nguồn cát cho hoạt động xây dựng, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhập cát từ các địa bàn khác về để cung ứng trên địa bàn, cũng như nghiên cứu, thí điểm khai thác cát sỏi gắn với nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên nguyên tắc cẩn trọng, lấy mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn hồ đập là căn bản.

Liên quan đến việc tìm vật liệu thay thế cát, tìm hiểu của PV, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng mô hình chế biến cát, sỏi từ đá và cả rác thải xây dựng…

Khả thi nhất vẫn là việc chế biến cát nhân tạo từ đá của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại phát triển Trường Sơn, trụ sở tại Tổ dân phố Giáp Thượng 3, Phường Hương Văn, Thị xã Hương Trà  (Thừa Thiên - Huế). Công ty này đã mạnh dạn đầu tư hẳn một dây chuyền nghiền sàng cát từ đá granit làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng công suất đạt 104.000 m3/năm (tương đương 156.000 tn/năm). Sản phẩm của dự án là cát nhân tạo có cỡ hạt 0,75-3mm.

Mô hình sản xuất cát từ đá của Công ty Trường Sơn được đầu tư dây chuyền hiện đại.

Sản phẩm cát nhân tạo sau khi nghiền đá của Công ty Trường Sơn.

Ông Trần Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc , Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại phát triển Trường Sơn cho hay, loại cát nhân tạo cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Công nghệ này đã được phát triển và sử dụng ở các nước tiên tiến từ khoảng hơn 20 năm nay, nhưng đối với nước ta còn khá mới lạ. Cát nhân tạo là sản phẩm được tạo ra từ đá. Trong quá trình nghiền đá sẽ tạo ra rất nhiều loại hạt, nếu phối trộn giữa cát nghiền với cát sông theo tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra được hỗn hợp phù hợp với quy chuẩn cho xây dựng.

“Hiện khó khăn của Công ty trong việc thực hiện mô hình này là ngoài việc diện tích mỏ đá Khe Đáy hiện tại chưa đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các trạm nghiền, thì quá trình nâng cấp trạm điện và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan cũng rất cần tạo điều kiện của tỉnh nhà…”, ông Minh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thiên Định khẳng định, tỉnh luôn hoan nghênh các doanh nghiệp đã tiên phong triển khai sản xuất cát nhân tạo, trong đó đánh giá cao mô hình chế biến cát, sỏi từ máy nghiền đá của Công ty Cổ phần thương mại phát triển Trường Sơn.

“Để bảo vệ các con sông, những hạt cát từ đá, thật là có ý nghĩa. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty này tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình để đi vào hoạt động hiệu quả, hướng đến sử dụng tài nguyên tiết kiệm, đi đôi với bảo vệ môi trường…”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.

Lê Kông