Xu hướng thị trường

Giá Bitcoin hoàn toàn dựa trên sự mơ tưởng

Giá trị của Bitcoin sẽ tiếp tục tăng và giảm tùy thuộc vào việc mọi người tin rằng nó có giá trị. Đồng tiền này được dự đoán ​​sẽ vẫn cực kỳ biến động.

Tỷ phú Elon Musk.

Với cuộc khủng hoảng được thúc đẩy bởi sự lo ngại từ giới ngân hàng Trung Quốc và tỷ phú Elon Musk quay lưng, giá Bitcoin đã giảm 28% hôm 19/5.

Tiền mã hóa đang mất dần thiện cảm ở Phố Wall, đặc biệt sau khi Giám đốc thông tin Mark Haefele của UBS đặt câu hỏi về sự cần thiết phải sở hữu Bitcoin trong danh mục đầu tư, theo Yahoo Finance.

Trong một lưu ý hôm 20/5, các nhà phân tích của Deutsche Bank đã đưa ra những nhận định về bản chất của Bitcoin và xu hướng của đồng tiền này thông qua nghiên cứu có tên “Bitcoin: Chạy theo xu hướng là bước cuối cùng để trở nên dở tệ”, dựa theo câu nói nổi tiếng của biểu tượng thời trang Karl Lagerfeld.

“Bitcoin cũng giống như những thứ hào nhoáng và bóng bẩy nhất”, chuyên gia phân tích Marion Labouré của Deutsche Bank nói về đợt lao dốc gần đây. “Cũng giống việc thời trang trở nên lỗi mốt, chúng ta vừa nhận thấy rằng các loại tiền kỹ thuật số cũng có thể nhanh chóng lỗi thời”.

“Tất cả những gì cần thiết để tiền điện tử sụp đổ là một dòng tweet và một tuyên bố của giới chức Trung Quốc”, bà nhấn mạnh.

Vào ngày 12/5, tỷ phú Elon Musk thông báo Tesla sẽ ngừng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin do lo ngại về môi trường. Chỉ với vài dòng ngắn gọn, giá Bitcoin ở mức gần 60.000 USD đã tụt xuống mức dưới 48.000 USD, đỉnh điểm là giảm còn hơn 30.000 USD cách đây vài ngày. Mặc dù đã hồi phục trở lại ở mức trên 40.000 USD, nhưng Bitcoin tiếp tục là chủ đề tranh cãi.

Giá trị Bitcoin bị hiểu sai

Theo Labouré, mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD khiến giới đầu tư khó có thể bỏ qua Bitcoin, nhưng sự hạn chế trong giao dịch của đồng tiền đã dẫn đến tranh luận về việc Bitcoin có thể phát triển thành một loại tài sản hay không.

Chuyên gia của Deutsche Bank nói rằng “giá trị của Bitcoin hoàn toàn dựa trên sự mơ tưởng”.

“Giá trị của Bitcoin sẽ tiếp tục tăng và giảm tùy thuộc vào việc mọi người tin rằng nó có giá trị”, hiện tượng mà Labouré gọi là “hiệu ứng Tinkerbell”, trong đó niềm tin mang tính quyết định.

Những người ủng hộ Bitcoin luôn tin rằng đồng tiền của họ sẽ sớm được công nhận, nhưng chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng viễn cảnh này sẽ khó xảy ra.

Theo đó, các ngân hàng trung ương và chính phủ có khả năng sẽ bắt đầu giám sát tiền điện tử vào đầu năm tới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hoặc có khả năng tung ra tiền điện tử riêng như dự tính của Trung Quốc.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Labouré cho biết, tương lai trung và dài hạn của tài sản kỹ thuật số là không bền vững và sẽ mất nhiều thời gian để bất kỳ hình thức thanh toán tiền điện tử nào nhận được sự thúc đẩy rộng rãi. Trong khi đó, Bitcoin “sẽ lưu hành và giá trị của nó có thể vẫn biến động”.

Theo ước tính của Deutsche Bank, 30% hoạt động của Bitcoin là dành cho thanh toán và phần còn lại là “đầu tư tài chính”. Năm ngoái, khối lượng giao dịch của Apple là 270% số lượng cổ phiếu; đối với bitcoin, con số này là 150%.

Ngoài Elon Musk và Trung Quốc, đây là một lý do khác khiến tiền điện tử có thể biến động mạnh.

“Do khả năng giao dịch hạn chế, đồng tiền này được dự đoán ​​sẽ vẫn cực kỳ biến động. Một vài giao dịch mua quy mô lớn hoặc rút khỏi thị trường có thể tác động đáng kể đến trạng thái cân bằng cung cầu”, Labouré nhận định. “Nguyên nhân gốc rễ của sự biến động bao gồm việc phân bổ tài sản chiến thuật nhỏ và sự ra vào của các nhà quản lý tài sản lớn”.

Chính phủ sẽ siết chặt Bitcoin

Giấc mơ về một loại tiền tệ không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương đã không thành hiện thực.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell coi tiền kỹ thuật số là bổ sung cho đồng đô la nhiều hơn là sự thay thế và tác động của cơ quan này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử. Tại Trung Quốc, chính phủ đang thực hiện một cách tiếp cận tích cực hơn đối với Bitcoin nhưng là để tạo không gian cho đồng tiền kỹ thuật số của riêng nước này.

Một ví dụ khác về bàn tay can thiệp của chính phủ trong quy định tiền điện tử là đồng tiền Libra được Facebook công bố vào năm 2019, với mục đích trở thành một loại tiền tệ toàn cầu trong tương lai, ít phụ thuộc vào sự kiểm soát của chính phủ. Nhưng kể từ đó đến nay, Facebook đã phải điều chỉnh các kế hoạch để loại tiền kỹ thuật số của họ trở nên bớt tham vọng hơn.

“Sản phẩm hiện tập trung vào việc giảm chi phí thanh toán, thay vì cạnh tranh với các chính phủ và ngân hàng trung ương bằng cách tạo ra một phương thức thanh toán song song. Nói cách khác, Facebook không có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ cạnh tranh với đồng đô la; thay vào đó, họ hy vọng sẽ cạnh tranh với các cách thanh toán truyền thống bằng đồng đô la”, Labouré lưu ý.

Theo chuyên gia Deutsche Bank, đây được coi là lăng kính tốt nhất để nhìn nhận về tiền điện tử, khi nó không phải một tài sản đầu cơ mà là một giải pháp fintech giúp thanh toán toàn cầu nhanh hơn và rẻ hơn.