Sự kiện

Ghi sai tiền điện hơn 58 triệu đồng, 2 lãnh đạo điện lực bị đình chỉ công tác

Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Bình và Giám đốc Điện lực Đồng Hới bị đình chỉ công tác do liên quan việc ghi sai tiền điện hơn 58 triệu đồng.

Chiều 23/6, ông Ngô Tấn Cư, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), chủ trì cuộc họp với 13 công ty điện lực thành viên để kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ ghi nhầm chỉ số công tơ tại Công ty Điện lực Quảng Bình.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, ông Ngô Tấn Cư nghiêm khắc phê bình các tập thể, cá nhân liên quan, trực tiếp và gián tiếp dẫn đến sự cố tính nhầm hóa đơn tiền điện của khách hàng, thông tin từ báo Tuổi trẻ.

Liên tiếp xảy ra tình trạng tính nhầm hóa đơn điện tại một số địa phương. (Ảnh minh họa)

Theo ông Cư, hiện quy trình kinh doanh ngành điện khá chặt chẽ, hệ thống phần mềm quản lý có tính năng cảnh báo sớm các bất thường về sử dụng điện. Việc tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ đảm bảo giám sát chéo, phúc tra số liệu từng khâu trước khi phát hành thông báo tiền điện và hóa đơn. Tuy nhiên, sự cố tính nhầm hóa đơn tiền điện khách hàng tại Quảng Bình vẫn xảy ra.

Nguyên nhân chính là từ sự chủ quan của các cá nhân và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận và đơn vị.

Qua xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, Tổng giám đốc EVNCPC quyết định đình chỉ công tác đối với ông Trần Xuân Công, phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Bình và ông Thái Hồng Lĩnh, giám đốc Điện lực Đồng Hới.

Đồng thời yêu cầu Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ.

Ông Cư cũng yêu cầu tất cả các đơn vị rút kinh nghiệm, tăng cường rà soát khâu ghi chỉ số công tơ và các khâu liên quan trong quy trình kinh doanh điện. Đồng thời, xây dựng bổ sung các công cụ công nghệ thông tin để tự động cảnh báo, ngăn chặn phát sinh sự cố tương tự.

Theo VnExpress, trước đó, khách hàng tên Dũng (TP Đồng Hới, Quảng Bình) phản ánh hóa đơn điện tháng 6/2020 (tính cho kỳ dùng điện tháng 5) của gia đình anh tăng đột biến, hơn 58 triệu đồng với 18.274 kWh. Nghi ngờ có sự nhầm lẫn, anh Dũng phản ánh tới Công ty Điện lực Quảng Bình.

Sau khi rà soát, phía điện lực xác nhận có sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ dẫn đến sai số điện và số tiền. Ngành điện ghi nhận lại số tiền điện thực tế anh Dũng phải trả cho hóa đơn tháng 6 chỉ 554.090 đồng.

Ngày 22/6, ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Điện lực Quảng Bình đã đến xin lỗi khách hàng Trần Việt Dũng sau sự cố ghi nhầm chỉ số điện.

Sẽ phúc tra khách hàng có sản lượng điện tăng từ 1,3 lần so với tháng trước

Như Người Đưa Tin Pháp luât đã đưa, liên quan tới ghi sai tiền điện và hoá đơn tiền điện tăng vọt, trong thông cáo phát đi hôm nay (23/6), Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).

Đồng thời thực hiện nghiêm lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua email, Zalo, hoặc ứng dụng (App) Chăm sóc khách hàng để khách hàng chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.

EVN cho biết, công tơ đo lường lượng điện năng tiêu thụ đang sử dụng khi lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Làm rõ thêm về việc thu thập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, EVN cho biết, lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công tơ điện tử. Đối với công tơ cơ được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, bảo đảm hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Hiện nay, Tập đoàn đang từng bước hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo đảmviệc theo dõi dữ liệu chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng được thuận tiện.

EVN cũng khẳng định, một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là những sai sót cá nhân, hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người.

EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã tổ chức Đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh, làm rõ việc hoá đơn tiền điện tăng trong thời gian qua.

Tập đoàn EVN đề nghị khách hàng sử dụng điện tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng EVN trong công tác giám sát ghi chỉ số công tơ của các đơn vị Điện lực. Bất kỳ phản ánh nào của khách hàng về việc tiền điện tăng cao được phản ánh trực tiếp về các Tổng đài Chăm sóc khách hàng của 5 Tổng Công ty Điện lực, các đơn vị Điện lực sẽ phải giải đáp trong vòng 24h.

H.M (tổng hợp)