Thế giới

Gen Z nhậm chức: Những chính khách trẻ tuổi của Nhật Bản

Cuộc bầu cử bổ sung trong tuần này của Nhật Bản đã mang đến nhiều gương mặt mới và người ủng hộ đã tung hô họ. Đây là sự thay đổi đáng mừng cho Chính phủ Nhật Bản.

Theo dữ liệu từ tổ chức Inter-Parliamentary Union, quốc hội Nhật Bản phần lớn bao gồm các thành viên từ 50 tới 70 tuổi, 75% trong đó là nam giới.

Theo cơ quan đưa tin NHK, anh Ryosuke Takashima, 26 tuổi, đã trở thành thị trưởng trẻ nhất của Nhật Bản. Anh tốt nghiệp Đại học Harvard ngành kỹ thuật môi trường vào năm vừa rồi.

Theo NHK, anh đã phát biểu trước các phóng viên: “Là một người còn trẻ, tôi nghĩ rằng các công dân sẽ thấy dễ đồng cảm với tôi hơn. Vì không có kinh nghiệm chính trị, tôi có thể hỏi về những điều tôi không hiểu, học hỏi nhiều điều hơn, và tôi muốn thể hiện những điều này trong tầm nhìn của mình”.

Theo NHK, thị trưởng trẻ nhất của Nhật Bản trước Ryosuke Takashima là Kotaro Shishida, đắc cử năm 1994 ở tuổi 27.

Anh Takashima đã vận động dựa trên các kế hoạch cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, hứa hẹn xây dựng thêm nhiều các khuôn viên công cộng và công viên, cũng như thực hiện nhiều cải cách về giáo dục và đào tạo, chăm sóc trẻ em và y tế, sức khỏe trẻ vị thành niên. Anh sẽ bắt đầu đảm nhiệm vai trò thị trưởng của thành phố Ashiya tỉnh Hyogo vào ngày 1/5 tới đây.

Bên cạnh đó, một YouTuber 26 tuổi cũng đã tham gia cuộc đua ứng cử vào hội đồng thành phố Hiratsuka và đã thắng cử, với tên chính thức là “Shin, YouTuber của Hiratsuka”.

Anh Shin sở hữu một cửa hàng bán các thẻ bài Pokemon nhưng được biết đến nhiều hơn qua kênh YouTube của mình, với các video thực hiện về những quầy hàng tại địa phương và các sự kiện của thành phố. Video phổ biến nhất của anh là video nhận xét về 10 cửa hàng ramen tại Hiratsuka.

Shin, YouTuber của Hiratsuka, thắng cử vào hội đồng thành phố Hiratsuka. Ảnh: Shin/YouTube.

Theo website của Shin, khi thực hiện những video của mình và đối thoại với chủ sở hữu các doanh nghiệp địa phương, anh được nghe nhiều về những phàn nàn và khó khăn của họ. Đó là động lực thúc đẩy anh ứng cử vào hội đồng thành phố và mang lại làn gió mới cho bối cảnh chính trị cứng nhắc của thành phố này.

Website của anh được viết: “Những nhà chính trị gia của Nhật Bản đang ngày càng cao tuổi. Hiratsuka có nhiều trường trung học và đại học, nên chắc chắn có nhiều người trẻ đang sống ở đây”.

Là một người cha của bé 3 tuổi, anh tập trung vào những vấn đề về chăm sóc trẻ em trong chiến dịch của mình, nhấn mạnh nhu cầu cần phải hỗ trợ tốt hơn đối với các cha mẹ và mang lại cân bằng giữa cuộc sống với công việc, cũng như cần phải hỗ trợ những người cao tuổi trong bối cảnh dân số Nhật Bản già hóa và lực lượng lao động ngày càng nhỏ.

Ayaka Nasuno, 25 tuổi, là một chính khách Gen Z khác xuất hiện sau khi thắng cử vượt trội trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Kawasaki hồi đầu tháng 4 này.

Theo website và các tài khoản mạng xã hội của mình, sau khi lớn lên trong môi trường luôn bị bắt nạt, cô Nasuno đã quyết định sẽ “xây dựng cộng đồng của riêng mình” bằng cách tổ chức những cuộc thu gom rác cộng đồng. Đó là điểm bắt đầu của chị trong công cuộc làm việc với các cử tri và các nguồn tài nguyên địa phương.

“Đó là điểm khởi đầu trong hành trình trở thành ủy viên hội đồng thành phố của tôi, và tôi sẽ ra sức hành động vì lợi ích của thành phố mình”, cô viết trên Twitter sau khi thắng cử.

Cô gái trẻ người Duy Ngô Nhĩ

Một cái tên nhận được nhiều sự quan tâm khác trong mùa bầu cử năm nay là cô Arfiya Eri, 34 tuổi, có cha mẹ là người Duy Ngô Nhĩ và Uzbekistan, với chiến dịch ủng hộ quyền phụ nữ và quyền bình đẳng giới.

Sau khi thắng cử vào Hạ viện Nhật Bản, cô Eri là người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đầu tiên đắc cử vào bất kỳ bộ máy nhà nước nào trên toàn thế giới, theo Đại hội người Duy Ngô Nhĩ thế giới (WUC). Tổ chức này đánh giá thắng lợi của cô có vai trò lớn lao cho cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Nhật Bản và tộc người Duy Ngô Nhĩ trên toàn thế giới.

Cô Arfiya Eri. Ảnh: Kentaro Takahashi/Bloomberg/Getty Images.

Tộc người Duy Ngô Nhĩ phần lớn sống ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc đã có những hành vi xâm phạm nhân quyền tại khu vực này đối với người Duy Ngô Nhĩ. Trong một báo cáo vào tháng 9/2022, Liên Hợp Quốc đã gọi những hành vi này là “tội ác chống lại loài người”, Mỹ đã từng cáo buộc Trung Quốc giam giữ hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Hồi trong các trại tập trung. Chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.

Cô Eri cũng là một trong số ít những thành viên quốc hội có nguồn gốc ngoài Nhật Bản, một quốc gia đồng nhất về mặt dân tộc và mức nhập cư khá thấp.

Cô sinh ra ở Nhật Bản nhưng được đưa tới Trung Quốc từ nhỏ, theo học đại học Georgetown ở Mỹ và làm việc cho Liên Hợp Quốc. Theo website của mình, cô đã nghiên cứu về những vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ khi du học. Một bài blog trên trang web của cô đã lên tiếng chỉ trích “những hành vi áp bức tồi tệ và vi phạm nhân quyền” xảy ra đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Cô cũng tập trung vào xã hội và chính trường ưu tiên nam giới của Nhật Bản, nhấn mạnh những vấn đề như khác biệt về thu nhập giữa hai giới, bất công về gánh nặng việc gia đình và chăm sóc trẻ mà phụ nữ phải chịu đựng, đồng thời yêu cầu nam giới phải có vai trò chủ động hơn trong nuôi dưỡng trẻ.

Trên blog của mình vào năm 2022, cô đã viết việc thắng cử của một “người phụ nữ 33 tuổi trong lực lượng lao động” như cô sẽ gửi thông điệp tới toàn thế giới rằng “Nhật Bản đang dần tiến bộ”.

Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)