Nhịp trẻ

[Gen Z nghĩ gì] Được - mất của Gen Z khi "chơi" tiền mã hoá

Nhiều bạn trẻ Gen Z có thể nhân hàng chục lần tài khoản nhờ đầu tư tiền mã hóa nhưng cũng không ít người mất trắng số tiền tích luỹ do thiếu kiến thức đầu tư.

Thống kê sàn giao dịch Binance cho thấy Việt Nam hiện nằm trong top 15 nước có lượng người tham gia thị trường tiền mã hóa đông đảo nhất thế giới. Hầu hết trong số đó ở độ tuổi dưới 35 và lượng lớn nhà các nhà đầu tư GenZ (sinh từ năm 1997-2012). 

Giao dịch trên không gian số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD

Theo một báo cáo do Google, TemasekBain công bố hồi tháng 11/2021, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, và Việt Nam sẽ đứng thứ hai (chỉ sau Indonesia) với tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên không gian số dự báo đạt 220 tỷ USD.

Góp phần lớn vào tổng giá trị hàng hóa này là thế hệ Gen Z. Gen Y - thế hệ Millennials (sinh từ 1986-1991) trải qua giai đoạn rối ren, đặc biệt cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã định hình tư duy bi quan và hình thành tâm lý trở ngại khiến nhóm người này ngại và ít tiếp cận với đầu tư hơn trước. Trong khi đó, lớn lên ở thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động khiến Gen Z có ý thức về đầu tư hơn và chủ động tìm hiểu các kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời tốt ngay cả khi sẽ phải chịu nhiều rủi ro.

Với thị trường tiền mã hóa (crypto), nhiều bạn trẻ đã có tư duy tìm tòi và chủ động tích luỹ để đầu tư. Thậm chí, nhiều người đã "đổi vận", mua xe... nhờ crypto hay có những bạn đã coi đây là một nghề để kiếm tiền, thay vì chỉ đầu tư thụ động.

Diễn biến giá Bitcoin. (Ảnh: FireAnt)

Bitcoin - đồng tiền nổi tiếng nhất đạt mức cao nhất mọi thời đại là 68.721 USD vào ngày 10/11, tăng 120% trong một năm và đưa vốn hóa tổng thị trường tiền điện tử lên mốc 3.000 tỷ USD. Ba năm trước, tổng vốn hóa thị trường của Bitcoin chỉ xấp xỉ 2,8% vàng nhưng kết thúc năm 2021 nâng lên 11%. Tuy nhiên, đây không phải đồng tăng mạnh nhất. 

Theo thống kê của tờ The Motley Fool, trong năm 2021 có tới 68 đồng tiền mã hóa tăng trên 1.000%. Nhiều đối thủ cạnh tranh đều vượt mặt Bitcoin như DeFi hay NFT.

TS Võ Đình Trí - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris và thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) nhận định: "Trong lịch sử, chưa có lớp tài sản nào mà tỉ suất sinh lời trong trong vòng một năm bay lên như hỏa tiễn giống crypto". 

Được gì - mất gì?

Văn Khiêm, sinh viên năm cuối và cũng là một môi giới bất động sản tại Hà Nội. Vào năm "Covid thứ 2", Khiêm đã dành một phần tiền tiết kiệm sau những thương vụ chốt lời của nghề "cò đất" để đầu tư cryptocurrency (tiền ảo). 

Khái niệm này với Khiêm ban đầu xa lạ. Tuy nhiên, Khiêm thực sự "bước chân" vào crypto khi xuống tiền mua token của một công ty dù vẫn không hiểu gì về công nghệ sau mỗi dự án hay lấy gì để đảm bảo. Khiêm chỉ biết rằng nếu không đầu tư, mình có thể bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Quan trọng nhất, thời điểm đó, nghề môi giới đã không còn đem lại nhiều thu nhập khi các khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. 

"Ông trời đã không phụ niềm tin của tôi" - Khiêm nói. Khiêm lãi hàng trăm triệu sau khi giá token tăng bằng lần. Khiêm nghe bạn nói công ty đã IDO thành công nhưng thời điểm đó Khiêm không hiểu IDO là gì, chỉ biết lần đầu xuống tiền đã lãi đậm. "Lẽ ra tôi có thể lãi nhiều hơn nếu mạnh dạn đầu tư tiền thêm" - Khiêm cho hay. 

Thực tế, có nhiều bạn trẻ Gen Z đã lãi cả tỷ đồng khi đặt niềm tin vào các thương vụ IDO, ICO hay IEO - thuật ngữ chỉ hình thức gọi vốn thông qua việc chào bán token của các doanh nghiệp công nghệ trên các nền tảng AMM phi tập trung. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Khiêm. 

Diễn biến tâm lý khi đầu tư. (Ảnh: Cycle market)

Tuy vậy, với Hảo Nhi, vừa ra trường được một năm, cho biết đầu tư crypto là trải nghiệm "không muốn nhắc lại". Vào thời điểm tháng 5/2021, giá của một Bitcoin là trên 58.000 USD. Tất cả số tiền Nhi có thời điểm đó không đủ mua một Bitcoin, tuy nhiên, bạn không cần phải có ngần đó tiền mới mua được Bitcoin, mà có thể mua ít hơn. Nhi "all-in" tiền dù không sở hữu đủ một đơn vị. 

Bitcoin bất ngờ lao dốc mạnh, có thời điểm chỉ đạt 31.000 USD/Bitcoin. Nhi ra sức "gồng lỗ" nhưng cuối cùng vẫn phải bán cắt lỗ khi thị giá đạt 44.000 USD vì "không thể đợi nổi nữa". Nhi nếm trái đắng khi dính bẫy "rug pull" (rút thảm). Sau này, Nhi cho biết không thể ngờ giá Bitcoin lại được kéo lên trên 68.000 USD.

Một hình thức phổ biến khác để "chơi" crypto là giao dịch coin/token trên các sàn giao dịch tập trung/phi tập trung. Nhiều bạn trẻ năm vừa qua cũng giao dịch crypto trên thị trường futures (hợp đồng tương lai) - một hình thức đặt cược vào dự báo của nhà đầu tư với diễn biến thị trường trong tương lai. Dự đoán đúng, khoản tiền có thể nhân lên cả trăm lần. Ngược lại, tài khoản mất sạch. Tại một nhóm đầu tư tiền mã hóa hơn 200.000 thành viên trên Facebook, một số bạn trẻ Gen Z cho biết đã mất hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng với hình thức đầu tư này. 

[GenZ nghĩ gì] Vì sao GenZ sẵn sàng nhảy việc - cơn “đau đầu kinh niên” của doanh nghiệp?

[GenZ nghĩ gì] GenZ và những “ảo tưởng” do chính xã hội tạo nên

Sức hấp dẫn không chỉ là tiền

Cho tới nay, ngay cả những người trong ngành cũng chưa thể khẳng định tương lai của tiền mã hóa hay sự thành công của các dự án NFT, Defi... TS Võ Đình Trí cho rằng quá trình phát triển của thị trường tài sản số phụ thuộc nhiều yếu tố, như sự chấp nhận của xã hội, sự phát triển của công nghệ, của blockchain, các nền tảng, hạ tầng thiết bị... "Có rủi ro cho những ai tham gia sớm, nhưng nếu thành công thì thành quả cũng sẽ rất lớn" - TS cho hay.

Theo TS Võ Đình Trí, Gen Z dính chặt với Internet và các nền tảng kết nối trực tuyến. "Những người trẻ này cũng ủng hộ, nếu không nói là cuồng công nghệ mới, trong đó có blockchain. Những ứng dụng và sản phẩm của công nghệ blockchain như tiền kỹ thuật số (digital coins), DeFi, NFT hay thậm chí là các meme coin đã tạo ra một lực hút cực lớn thời gian qua" - TS nhận định.

TS Võ Đình Trí chỉ ra yếu tố công nghệ, cộng đồng và sự tin tưởng vào định chế tài chính giảm là nguyên nhân khiến Gen Z đầu tư vào crypto. 

Một lý do khác bên cạnh yếu tố công nghệ theo TS là yếu tố cộng đồng. Hầu hết những người trẻ quan tâm đến crypto đều có tham gia ít nhất một cộng đồng hay nhóm nào đó, nhất là các nền tảng mạng xã hội như Telegram. Có người đầu tư, chỉ mua và nắm giữ, có người chỉ đầu cơ lướt sóng, và cũng có người kết hợp cả hai chiến lược. Nhưng chất keo gắn kết của họ với crypto là những trao đổi, chia sẻ trên các cộng đồng.

"Với họ, ở không gian này không chỉ là tiền mà còn là một thú vui. Cảm giác kết nối với một cổ phiếu bluechip với nhiều người trẻ là không thể bằng khi so với một loại coin" - TS Võ Đình Trí nhận định. "Và lý do cuối cùng cũng đáng để đề cập đến đó là sự tin tưởng của giới trẻ vào các định chế tài chính ngày càng giảm khi DeFi đang ngày càng phát triển mạnh và sẽ là tương lai của ngành tài chính".

So với cổ phiếu, thể hệ trẻ có thể đầu tư vào crypto với chi phí thấp hơn, linh hoạt hơn và có thể bắt đầu với số vốn rất nhỏ. Nhiều người trẻ cảm thấy hệ thống tài chính truyền thống mà thế hệ cha mẹ họ đang sử dụng ít phù hợp với họ hơn. Ngoài ra, lạm phát cũng là một lợi thế của những crypto có lượng phát hành hữu hạn.

Tuy nhiên, theo TS Võ Đình Trí, thị trường crypto đã nóng lên nhiều thời gian qua, không ít người rơi vào tâm lý FOMO (fear of missing out) - sợ bị bỏ lỡ. Nắm bắt được điều này, nhiều tổ chức, cá nhân tranh thủ phát hành crypto hoặc token với mục đích lừa đảo.

Trang web coinmarketcap.com thống kê, hiện có 6883 coins được niêm yết, phần lớn trong số này chỉ có vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp nên rủi ro cao. Nhiều nhà đầu tư trẻ lại chạy theo những meme coin mà chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như tìm hiểu kỹ thì rủi ro là rất lớn, giá có thể tăng vọt và có thể quay đầu nhanh sau đó chỉ một thời gian ngắn, nếu không may thì sẽ bị rơi vào tình trạng "đu đỉnh". 

"Vì vậy, mặc dù đầu tư vào crypto là một kênh đầu tư rất tiềm năng, phù hợp với Gen Z, nhưng cần phải có chiến lược đầu tư phù hợp để không bỏ lỡ cơ hội nhưng cũng không quá mạo hiểm vào kênh đầu tư này" - TS nói.