Tài chính - Ngân hàng

Gelex muốn đổi tên công ty, tiếp tục đẩy mạnh M&A

Gelex dự kiến đổi tên từ tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam thành công ty Cổ phần tập đoàn Gelex để phản ánh về quy mô, tính chất, định hướng tái cấu trúc.

Hội đồng quản trị (HĐQT) tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) vừa trình kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến vào ngày 18/6 tới.

HĐQT cho biết, sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), Gelex đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings, hoạt động trong các lĩnh vực thiết bị điện, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng, nước sạch.

Để phản ánh quy mô và định hướng tái cấu trúc, HĐQT trình việc thay đổi tên công ty nhằm định vị thành tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp/dự án gắn liền với các thương hiệu quốc gia. Theo đó, tên mới được đề xuất là công ty Cổ phần tập đoàn Gelex (Gelex Group).

Đồng thời, Gelex sẽ tiến hành IPO và niêm yết theo từng cấp công ty khi cần thiết, trên cơ sở vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối để tạo nguồn lực tài chính thực hiện đầu tư chiến lược.

Gelex dự sẽ đổi tên thành công ty Cổ phần tập đoàn Gelex (Gelex Group).

Năm 2020, tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 17% lên gần 17.950 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ sản xuất công nghiệp chiếm chủ đạo với 16.098 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90%. Mảng hạ tầng đạt 898 tỷ và đóng góp 5% doanh thu thuần.

Đối với các hoạt động M&A, Gelex đã hoàn thành nâng sở hữu lên 100% tại công ty dây đồng Việt Nam CFT, tăng sở hữu tại Viglacera lên 50,21%, đầu tư 25,47% tại công ty Cổ phần Đầu tư KCN Dầu khí Long Sơn, tăng sở hữu tại Viwaco lên 15%. Ngược lại Gelex cũng thoái vốn mảng đầu tư logistics và thoái SCI Nghệ An trong năm qua.

Lợi nhuận trước thuế năm ngoái tăng 12% lên 1.197 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ tăng 26% lên 802 tỷ đồng. Với kết quả đó, HĐQT trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9% sau tăng vốn (14% trước tăng vốn). Khối lượng phát hành là hơn 70,3 triệu cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị hơn 703 tỷ đồng.

Sang năm 2021 với việc hợp nhất được Viglacera, Gelex đặt mục tiêu đặt mục tiêu tổng doanh thu 28.540 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Chính sách cổ tức tối đa 10%.

Cùng với đó, công ty sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera và KCN Dầu khí Long Sơn bên cạnh nỗ lực tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng, bổ sung vào hệ sinh thái.

Với mảng năng lượng tái tạo, các dự án Điện gió Hướng Phùng 2,3 và Quảng Trị 1,2,3 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2021. Công ty cũng triển khai công việc để bổ sung các dự án Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió Đăk Lăk (200 MW), Điện mặt trời Bình Phước (480MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW).

Về lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, trong năm 2021, Gelex sẽ khảo sát và triển khai chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp, đồng thời nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp, khu công nghiệp cận cảng với diện tích khoảng 2.700ha.

Phía Gelex cho biết sẽ tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn số 10 Trần Nguyên Hãn; hoàn thành và đưa vào vận hành dự án CADIVI Tower trong quý IV/2021.