Thế giới

GDP Trung Quốc: Chờ đợi những bất ngờ trong năm 2023

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc dự kiến sẽ “ngấp nghé” mức thấp nhất trong gần 50 năm do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2022 sẽ ở mức yếu nhất trong hơn 4 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng do đại dịch và những bất ổn trên thị trường bất động sản, theo các nhà phân tích.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 1,9% trong quý IV/2022, giảm từ mức 3,9% trong quý trước đó, theo nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc Wind.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu chính thức là “khoảng 5,5%” và mức tăng trưởng 8,4% được điều chỉnh vào năm 2021.

Con số tăng trưởng cả năm của Trung Quốc, nếu được xác nhận là đúng khi Trung Quốc công bố kết quả GDP 2022 vào ngày 17/1, sẽ chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 1976, mặc dù đây là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo mức tăng trưởng giữa lúc toàn thế giới lao đao vì đại dịch.

Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%. Ảnh: SCMP

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tụt lại phía sau tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau hơn 4 thập kỷ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới hôm 10/1 cho biết, họ dự kiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,7% trong năm 2022, thấp hơn 0,2% so với mức tăng trưởng toàn cầu. Ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 xuống 4,3% so với dự báo 5,2% hồi tháng 6.

Tăng trưởng đang chậm lại

Trung Quốc vẫn đang chiến đấu với tình trạng nhiễm virus corona ngày càng gia tăng sau khi nước này đột ngột từ bỏ chính sách zero Covid vào tháng 12. Các bệnh viện và nhân viên y tế nước này hiện đang quá tải.

Điều này nhiều khả năng sẽ được thể hiện trong báo cáo kết quả tăng trưởng quý IV năm 2022 được công bố ngày 17/1 cùng với hàng loạt chỉ số khác như bán lẻ, sản xuất công nghiệp và việc làm.

“Quý IV tương đối khó khăn”, nhà kinh tế Zhang Ming thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết. “Bất kể là theo thước đo tiêu dùng hay đầu tư, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại”, ông Zhang cho biết.

Tháng 12/2022, xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, thấp hơn 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu dùng chìm trong sắc đỏ vào tháng 11, và đầu tư cũng chậm lại.

Hình ảnh các container tại một cảng ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 27/10/2022. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch trong tháng 12/2022. Ảnh: Taipei Times

Cùng quan điểm với ông Zhang, nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank cho rằng quý cuối cùng “gần như chắc chắn sẽ cho thấy sự suy giảm vì sự lây lan nhanh chóng của Covid” sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về sức khỏe vào tháng 12.

Hôm 14/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, có tổng số 59.938 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2022 đến 12/1/2023.

Theo ông Mevissen, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang đè nặng lên tăng trưởng. Bất động sản và xây dựng, chiếm hơn 1/4 GDP của Trung Quốc, đã gặp khó khăn kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt việc vay mượn quá mức và đầu cơ tràn lan vào năm 2020.

Triển vọng của thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn còn yếu, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực thúc đẩy nhu cầu bằng cách cắt giảm lãi suất thế chấp.

“Lực cản từ lĩnh vực bất động sản có thể thu hẹp vào năm 2023, nhờ việc tăng cường các chính sách hỗ trợ và triển vọng kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, lĩnh vực này có thể vẫn là nguồn chính gây ra biến động, vì cần có thời gian để sửa chữa bảng cân đối kế toán và khôi phục niềm tin cho cả người mua nhà và nhà phát triển”, tập đoàn tài chính Australia Macquarie cho biết hôm 11/1.

Điều tồi tệ nhất đã qua

“Giai đoạn chuyển tiếp có thể sẽ gập ghềnh vì đất nước có thể cần phải vật lộn với các ca bệnh gia tăng và hệ thống y tế ngày càng căng thẳng”, nhà phân tích Jing Liu của HSBC cảnh báo.  Tuy nhiên, sau 3 năm hạn chế, “quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc đã bắt đầu”, bà cho biết.

Bắc Kinh đã bất ngờ nới lỏng các hạn chế về đại dịch vào đầu tháng 12 sau 3 năm thực thi một số biện pháp Covid khắc nghiệt nhất trên thế giới.

Việc phong tỏa nghiêm ngặt, kiểm dịch và thử nghiệm hàng loạt bắt buộc đã khiến các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại các trung tâm lớn phải đóng cửa đột ngột, gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế nước này.

Việc mở cửa trở lại, bao gồm cả việc cho phép du khách quốc tế vào Trung Quốc mà không cần cách ly, khiến một số nhà kinh tế lạc quan hơn và nâng dự báo GDP của nước này. Ảnh: Fortune

Giờ đây, các quan chức Trung Quốc cho rằng nước này đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất, ít nhất là ở các thành phố lớn. Các nhà kinh tế đang phấn khởi trước sự phục hồi của lượng hành khách đi tàu điện ngầm và các chuyến bay nội địa tăng từ mức thấp trong tháng 12.

“Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2023 khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng”, Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 10/1.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc có thể có những bất ngờ tích cực, bao gồm việc nới lỏng có trật tự các hạn chế đi lại, sau đó là giải phóng mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ bị dồn nén, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs Jan Hatzius cho biết, các nhà kinh tế tại tổ chức tài chính này kỳ vọng một “sự phục hồi hình chữ V” của nền kinh tế Trung Quốc.

Ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mỹ đã tăng dự báo GDP năm 2023 lên 5,2% vào giữa tháng 12 sau khi Trung Quốc xoay trục trong cuộc chiến chống Covid. Dù không tăng dự báo kể từ thời điểm đó, nhưng trong một lưu ý được đưa ra ngày 9/1, Goldman Sachs cho biết họ đã lạc quan hơn về tăng trưởng của Trung Quốc.

Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, France 24, China Daily)