Kinh tế vĩ mô

GDP quý III/2023 tăng trưởng 5,33%

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).

Trong cơ cấu GDP quý III, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.

Về sử dụng GDP quý III/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Nói về kết quả này, bà Hương cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm.

“Dù lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng”, bà Hương nói.

GDP 9 tháng năm 2023 của Việt Nam tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Phạm Tùng).

Theo bà Hương, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra tại thời điểm trước đó do tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1 đến 1,0 điểm phần trăm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023.

OECD nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3,0%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3,0%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023.

Trong đó, tăng trưởng của khu vực châu Âu đạt 0,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm; Mỹ đạt 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm; Nhật Bản đạt 1,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm; Trung Quốc giữ nguyên mức tăng trưởng 5,2%. Fitch Ratings dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng 2,5%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023, OECD điều chỉnh dự báo tăng trưởng của một số quốc gia so với dự báo tại thời điểm tháng 3/2023 như sau: Indonesia giữ nguyên dự báo ở mức 4,7%; Malaysia và Philipines lần lượt đạt 3,9% và 5,6%, cùng giảm 0,1 điểm phần trăm; Singapore đạt 1,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm; Thái Lanđạt 2,8%, giảm 1,0 điểm phần trăm.

Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 so với trước đây dựa trên kết quả và dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và ảnh hưởng của kinh tế thế giới.