Thế giới

Gazprom Nga vận chuyển 35,5 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua Ukraine

Xuất khẩu khí đốt Nga qua đường ống tới châu Âu đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất thời hậu Xô Viết vào năm 2022 trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga cho biết họ sẽ vận chuyển 35,5 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua Ukraine vào ngày 13/1, phù hợp với mức tương tự được báo cáo vào tháng 1/2023, nhưng giảm khoảng 15% so với mức vận chuyển hàng ngày được thấy trong những tháng cuối năm 2022.

Trước đó, gã khổng lồ năng lượng Nga cũng vận chuyển khối lượng khí đốt tương tự qua Ukraine tới châu Âu vào ngày 12/1, với sự chấp thuận từ Nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine (GTSOU).

Tuy nhiên, khí đốt Nga vận chuyển tới châu Âu chỉ được quá cảnh qua trạm đo Sudzha, một trong 2 điểm vào Hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. Yêu cầu không được chấp nhận thông qua điểm vào còn lại là trạm đo Sokhranovka.

“Gazprom đang cung cấp khí đốt Nga quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine với khối lượng được phía Ukraine xác nhận qua trạm đo Sudzha là 35,5 triệu m3 vào ngày 12/1, nhưng yêu cầu quá cảnh qua trạm đo Sokhranovka đã bị từ chối”, người phát ngôn của Gazprom, ông Sergei Kupriyanov, nói với các phóng viên.

GTSOU đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc chấp nhận vận chuyển khí đốt qua trạm đo Sokhranovka, và cho biết rằng họ không thể kiểm soát trạm nén Novopskov ở khu vực Lugansk.

Kể từ ngày 11/5/2022, Ukraine đã ngừng nhận trung chuyển khí đốt qua trạm Sohranivka với lý do trạm này nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga. Tuyến đường ống qua Sokhranovka đã từng vận chuyển hơn 30 triệu m3 khí đốt mỗi ngày.

Gazprom cho biết, về mặt kỹ thuật họ không thể vận chuyển toàn bộ lượng khí đốt qua trạm Sudzha, tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt cho khách hàng châu Âu theo các nghĩa vụ hợp đồng và yêu cầu đã có.

Trạm đo khí Sudzha ở biên giới Nga-Ukraine. Ảnh do Gazprom cung cấp năm 2015.

Dữ liệu của Gazprom và tính toán của Reuters cho thấy, xuất khẩu khí đốt Nga qua đường ống tới châu Âu đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất thời hậu Xô Viết vào năm 2022 do khách hàng lớn nhất của nước này cắt giảm nhập khẩu trong bối cảnh xung đột quân sự ở Ukraine và một đường ống chính đã bị hư hại do các vụ nổ bí ẩn.

Liên minh châu Âu (EU), vốn là khách hàng mua dầu và khí đốt lớn nhất của Nga, trong nhiều năm qua đã nói về việc cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Việc hiện thực hóa mục tiêu trên đã được đẩy nhanh kể từ khi Điện Kremlin đưa quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.

Xuất khẩu khí đốt trực tiếp của Nga sang Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị tạm dừng vào tháng 9/2022 sau các vụ nổ tại đường ống Nord Stream 1 và 2 dưới đáy Biển Baltic.

Thụy Điển và Đan Mạch đều kết luận rằng 4 vụ rò rỉ trên Nord Stream 1 và 2 là do các vụ nổ gây ra, nhưng không cho biết bên nào phải chịu trách nhiệm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi thiệt hại này là một hành động phá hoại.

Nga cáo buộc Hải quân Anh đứng sau các vụ nổ, một cáo buộc mà London đã phủ nhận.

Minh Đức (Theo Al-Arabiya, Interfax)