Văn hoá

Gặp người con gái Ê Đê kỳ lạ giữa đại ngàn

Trong không gian văn hóa Ê Đê giữa đại ngàn đầy nắng, gió… cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng chúng tôi cảm nhận được nét đẹp của chị, từ tâm hồn đến tính cách.


Không gian văn hoá của người Ê Đê giữa Đại ngàn

"Đại sứ" văn hoá

Không phô trương, hào nhoáng, tiếp chúng tôi trong phong cách giản dị, đời thường, chị H’len Nie (chủ không gian Ê Đê mang tên Arul, tại 17 – 19 Trần Nhật Duật, buôn Akõ Dhong, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuật, tỉnh Dắk Lắk) nói nhiều về “một nông dân thực thụ”.

Dù chưa khoẻ sau một thời gian điều trị tại bệnh viện nhưng chị H’len Nie vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian để chia sẻ về không gian văn hoá Ê Đê (ảnh Phi Long).

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, cũng giống như bao người con gái Ê Đê khác, chị thấu hiểu được sự khổ cực cũng như những thiệt thòi, hạn chế mà người đồng bào trải qua.

Chính con người chị và những gì đang có nơi đây thực sự là một bảo tàng sống về đồng bào Ê Đê (ảnh Arul).

Chị đã cố gắng vươn lên, từ đó, tìm cho mình một con đường riêng để đi… Và rồi, không biết tự lúc nào thôi thúc chị muốn làm một cái gì đó cho riêng mình, cho đồng bào mình cũng như cộng đồng nơi đây.

Không gian được sắp đặt như cuộc sống hàng ngày của đồng bào (ảnh Arul).

Năm 2011, người cha qua đời, lúc này H’len Nie cũng mới tính đến việc sửa sang lại ngôi nhà của ông để lại, chứ chưa hình dung về một không gian cà phê lưu giữ những hiện vật, linh hồn của người Ê Đê giữa Đại ngàn. Rồi mọi thứ thôi thúc để chị có cơ duyên đại sứ gìn giữ những nét đẹp này.

Nhiều hiện vật có giá trị về mặt thẩm mỹ, văn hoá, tinh thần... (ảnh Arul).

“Chị nghĩ là bề trên và tổ tiên đã đưa đến cơ duyên này. Chị cảm nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ vô hình. Dù mình không phải là người mê tín nhưng cảm nhận được điều đó, nếu không có sự giúp đỡ lớn từ bên trên, từ tổ tiên, chắc chắn chị sẽ không làm được như ngày hôm nay.

Vì chị là người nông dân bình thường, không có điều kiện để làm việc xã hội hay đi đây đi đó và cũng không thể hình dung trong đầu, mình sẽ làm được”, chị H’len Nie tâm tình.

Hơi thở đại ngàn

Không gian Arul mang âm hưởng của đại ngàn, của sự mộc mạc, chân chất, biểu hiện rõ nét văn hoá của đồng bào Tây Nguyên. Nói như ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Dắk Lắk khi giới thiệu chúng tôi đến đây: “Sẽ thấy, mỗi hiện vật đều biết nói về văn hoá, linh hồn của người Ê Đê”.

Mỗi hiện vật đều biết nói về văn hoá, linh hồn của người Ê Đê (ảnh Arul).

Những chiếc bàn ghế gỗ xưa cũ mà sao quá đỗi quen thuộc. Rồi bếp lửa của đồng bào hay những chiếc cầu thang đặc trưng… được sắp đặt hết sức ngẫu hứng nhưng thể hiện được sự am tường của chủ nhân.

Rồi còn đó, các hoạ tiết trên nhiều hiện vật được chạm trỗ không quá trơn tru, mượt mà nhưng lại nói lên nhiều điều, rất ý nghĩa.

Đó là những đồ vật trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào được chị sưu tập, tái hiện sinh động. Đây không còn là những món đồ đơn thuần mà nó chất chứa đầy ắp kỷ niệm của tình người, tình yêu.

Tâm huyết và đam mê của người phụ nữ Ê Đê (ảnh Phi Long).

Đi vào từng ngóc ngách của ngôi nhà sàn, ai cũng cảm nhận được không gian văn hoá với hàng ngàn hiện vật đang được lưu giữ nơi đây.

Trải qua gần 10 năm, chị cũng không biết được mình đã bỏ bao nhiêu công sức, tiền bạc để thực hiện công trình để đời này.

Dù vậy, tiếp chúng tôi, chị không nói nhiều về công lao ấy, thay vào đó, dành nhiều thời gian nói nhiều về việc làm sao để truyền tải linh hồn, văn hóa người đồng bào Ê Đê đến với đến với mọi người.

Không gian độc đáo và mê hoặc (ảnh Phi Long).

Chị nói, muốn làm một cái gì đó nhưng thật sự là không biết bắt đầu như thế nào, bắt đầu từ đâu. Toàn bộ ý tưởng về Arul cà phê là bảo tàng “sống” về không gian văn hóa, con người, tình yêu của đồng bào Ê Đê được lưu giữ, tái hiện một cách bất ngờ nhưng hợp lý đến lạ.

Ai đến cũng phải trầm trồ, thích thú với không gian này, đặc biệt là với khí hậu mát mẻ, của Đắk Lắk - của “ban mê” trong những ngày “tháng ba - mùa con ong đi lấy mật”.

Những người có tâm huyết với văn hóa của đồng bào mình như H’len Nie hiện nay không còn nhiều (ảnh Phi Long).

Những người có tâm huyết với văn hóa đồng bào mình như H’len Nie hiện nay không còn nhiều: Vừa là người con của đồng bào vừa hiểu được những giá trị của những hiện vật này.

Bảo tàng “sống” về không gian văn hóa, con người, tình yêu của đồng bào Ê Đê được lưu giữ, tái hiện một cách bất ngờ nhưng hợp lý đến lạ (ảnh Arul).

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, H’len Nie luôn nhắc nhiều đến người mẹ với công lao to lớn. Tự nhận mình là người thường “lừa mẹ”… vì giấu những số tiền đã bỏ ra để tạo ra không gian này.

Không gian chất chứa đầy ắp kỷ niệm của tình người, tình yêu (ảnh Arul).

Chị lại kể những câu chuyện hết sức chân thật, đời thường: “Làm người mẹ, ai cũng xót xa khi thấy con cái phải bỏ ra hàng đống tiền, tuy nhiên, chưa hiểu được công việc của mình làm như thế nào, để làm gì.

Do đó, mỗi lần mua những món đồ, những hiện vật có giá trị cao, nhiều tiền thì về toàn phải nói dối mẹ là mua ít tiền, để bà đỡ lo lắng. Mua bộ ghế K'pan 25 triệu đồng cũng chỉ nói với mẹ rằng hết dăm ba triệu đồng. Có lẽ đến nay, mẹ đã hiểu được câu chuyện này”.

Ai đến đây cũng cảm ơn người phụ nữ này về việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn (ảnh Phi Long).

Arul là biểu hiện cho cả một quá trình mà chị vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ của mình. Dù “đơn thương độc mã chiến đấu” trên con đường lưu giữ và tái hiện không gian văn hóa của người Ê Đê nơi Đại ngàn - như lời H’len Nie chia sẻ.

Nhưng ai đến đây cũng cảm ơn người phụ nữ này về việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn. Trong đó có chúng tôi, rất cảm phục và yêu mến chị -  H’len Nie.

TÙNG VIỆT - HÙNG LONG