Sức khỏe

Gặp bác sĩ 66 lần hiến máu cứu bệnh nhân

Bác sĩ Hồ Văn Thúc đã có 66 lần hiến máu cứu bệnh nhân của mình mà không màng bất kỳ lợi danh nào. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần bệnh nhân gặp chuyện là ông sẵn sàng có mặt để giúp đỡ.

66 lần hiến máu cứu bệnh nhân

Trong không khí chung của cả nước đang đón chào ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi tìm về thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để gặp một bác sĩ thật đặc biệt. Đây là vị bác sĩ có “thâm niên” 66 lần hiến máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Hồ Văn Thúc (57 tuổi), Trưởng khoa Xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là người bác sĩ đặc biệt, vừa được vinh danh 100 người hiến máu tiêu biểu. Ông được ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh vào năm 2018. Trước đó, vào năm 2014, bác sĩ Thúc cũng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Bác sĩ Thúc vui vẻ hiến máu cứu bệnh nhân.

Khi biết chúng tôi tìm “anh hùng hiến máu cứu người”, nhiều người dân đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận khoa Xét nghiệm của bệnh viên. Những người này còn luôn miệng khoe bác Thúc chính là ân nhân của họ và suốt cuộc đời họ sẽ không quên vị ân nhân này. Bởi chính họ, hay người thân của họ từng được bác sĩ Thúc và ngân hàng máu sống giành lại từ bàn tay của "thần chết".

Chúng tôi gặp bác sĩ Thúc khi ông đang cầm tờ xét nghiệm cuối cùng của giờ làm việc buổi sáng trên tay, xung quanh bác sĩ Thúc bao nhiêu máy móc xét nghiệm “bủa vây”. Ấy vậy, bác sĩ vẫn vui vẻ, nhiệt tình và không có biểu hiện của sự mệt mỏi. Kéo chiếc ghế, đon đả mời chúng tôi ngồi, bác sĩ Thúc không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời và những niềm vui, thăng trầm trong nghề.

Chuyên tâm với công việc.

Bác sĩ Thúc phấn khởi khoe rằng mới đây, nhân dịp ra Hà Nội, ông vinh dự được nói chuyện và chụp hình lưu niệm cùng Tổng Bí Thư. Và qua ánh mắt của bác sĩ Thúc, chúng tôi hiểu rằng đó là niềm vui của một người dành cả cuộc đời để cống hiến cho ngành y.

Bác sĩ Thúc nói rằng, chuyện đời chuyện nghề của ông dài lắm, nếu nhớ lại có thể viết thành sách nhưng thời gian quá ngắn ngủi nên ông chỉ tâm sự với chúng tôi những kỷ niệm “để đời” của mình.

Vẫn tràn đầy sức trẻ dù đã ở tuổi 57.

Bác sĩ Thúc nhớ lại, vào những năm đầu thập niên 90, ông là một trong những thanh niên địa phương may mắn được vào trường y. Sau nhiều năm cố gắng học hành, ông cầm tấm bằng tốt nghiệp và về cống hiến cho bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Tại đây, ông may mắn được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng cử đi học thêm nhầm bổ sung thêm nhiều kiến thức.

Gần kết thúc khóa học, ông được đến cơ sở y tế để thực tập và tại đây ông được giao nhiệm vụ lấy máu từ những người đến hiến máu. Thời điểm đó, tỉ lệ người cho máu rất ít nên ông cảm thấy những người này đã có những suy nghĩ đi trước và tâm thật tốt nên bản thân cũng muốn có nghĩa cử cao đẹp để cứu người. Vì thế, ông quyết định tham gia hiến máu với mục đích để san sẻ điều tốt đẹp với người gặp nạn đồng thời cũng muốn hiểu được cảm giác cho máu đi sẽ như thế nào nhằm làm tốt hơn công tác của mình.

Người sáng lập ngân hàng máu sống ở bệnh viện

Khi hết thời gian học, bác sĩ Thúc trở lại công việc thường ngày tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Tại đây, ông nhiều lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sản phụ băng huyết,… cần được truyền lượng máu lớn nhưng lượng máu dự trữ trong bệnh viện không đủ khiến cho nhiều người không được cứu. Những điều diễn ra trước mắt khiến bác sĩ Thúc trăn trở, nhiều đêm mất ngủ và cuối cùng ông nhận ra cần có một lượng máu sống để cần là có và kịp thời cứu người.

Nghĩ là làm, bác sĩ Thúc đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai thành lập ngân hàng máu sống tại bệnh viện. Những ngày đầu, ngân hàng máu sống có gần 70 thành viên, chủ yếu là những y bác sĩ trong bệnh viện. Nhưng sau đó từ năm 1998, khi mà người dân địa phương cảm động với việc làm của các y bác sĩ bệnh viện, họ cũng tình nguyện đến đăng ký tham gia hiến máu.

Nhờ người đứng đầu ngân hàng máu sống của bệnh viện gương mẫu, tận tụy nên đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, ngân hàng đã quy tụ được gần 400 thành viên. Trung bình mỗi năm ngân hàng máu sống bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận được hơn 120 đơn vị máu, cứu sống kịp thời rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch.

“Mỗi năm tôi tham gia hiến máu cho bệnh nhân cấp cứu khoảng 4 lần, có nhiều năm lên đến 6 lần. Ngoài ra, các đợt hiến máu do hội Chữ thập đỏ tổ chức thì tôi cũng tham gia hiến máu. Đó là việc làm ý nghĩa bởi nó mang lại điều tốt đẹp cho mọi người. Tôi chẳng biết máu mình hiến sẽ cho ai và người nhận cũng không biết họ nhận máu từ ai nhưng nhờ đó mà 40 - 50 ca cấp cứu mỗi năm đều được kịp thời truyền máu”, bác sĩ Thúc chia sẻ.

Bác sĩ Thúc được nhận nhiều giải thưởng cao quý.

Và trong câu chuyện của mình, bác sĩ Thúc cũng kể cho chúng tôi nghe những gì diễn ra cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, ngân hàng máu sống vừa đi vào guồng quay và hoạt động khá ổn định thì có một ca bệnh rất nguy hiểm. Lúc này, một cô giáo ở huyện Cẩm Mỹ sinh con nhưng sinh tại một phòng khám tư. Quá trình sinh nở không thuận lợi và cô giáo này đã bị băng huyết nên được chuyển đến bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng da xanh tái, yếu, tiên lượng rất xấu.

Qua thăm khám, bác sĩ nhận định cô giáo này đã mất máu quá nhiều, cần được truyền một lượng máu lớn mới có thể cứu. Tuy nhiên, người nhà của cô giáo này lại bị viêm gan B nên không thể cho máu. Đứng trước tình trạng này, bác sĩ Thúc là người đầu tiên đứng ra hiến máu sau đó gọi các thành viên trong ngân hàng máu sống của bệnh viện tham gia hiến máu. Tuy nhiên, lượng máu lấy được vẫn chưa đủ nên bác sĩ Thúc phải dùng điện thoại vận động các giáo viên đồng nghiệp của cô giáo này hiến máu cứu người.

“Tầm lát sau, tôi thấy có một chiếc xe chở theo hơn 20 giáo viên đỗ ngay sân bệnh viện. Lúc này, khi thấy các bác sĩ tích cực hiến máu cứu bạn của họ nên các giáo viên cũng không ngần ngại lao vào tình nguyện hiến máu. Cái gì cũng vậy, mình phải đi đầu thì họ mới không sợ, mới an tâm mà làm. Cũng nhờ vậy mới đủ lượng máu để truyền cho cô giáo. Sau khi được truyền máu, da dẻ cô giáo hồng hào trở lại, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu sống cô”, bác sĩ Thúc nhớ lại.

Bác sĩ Thúc vẫn miệt mài với công việc.

Tương tự, một trường hợp bác sĩ Thúc trực tiếp hiến máu cứu người đã khiến thay đổi suy nghĩ và hành động của những người dân nơi đây. Đó là trường hợp có một người cha xứ trên đường đi hành lễ bằng xe máy, không may đụng phải một chiếc xe tải và bị xe tải cán nát phần dưới cơ thể. Lúc cấp bách ấy, bác sĩ Thúc cùng những thành viên trong ngân hàng máu sống tại bệnh viện trực tiếp hiến máu để cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời gọi điện thoại về nhà thờ, kêu gọi mọi người hiến máu cứu bệnh nhân. 

“Các cha và nhiều giáo dân cũng đăng ký hiến máu và để lại số điện thoại nên chúng tôi cũng đã gọi điện nhờ khẩn cấp cứu người. Họ cũng đã nhanh chóng đến bệnh viện để chung sức cứu người. Nhờ những dòng máu ấy mà cha xứ đã qua cơn nguy kịch sau đó được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị”, bác sĩ Thúc kể.

Và cũng nhờ tấm lòng của bác sĩ Thúc, tấm lòng của nhiều thành viên trong ngân hàng máu sống mà nhiều người bệnh được cứu sống. Cũng nhờ đó mà ngân hàng máu sống ngày càng được nhiều người biết đến, ngày càng nhiều người dân đăng ký tham gia.

Ông Phan Văn Huyên, Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, bác sĩ Thúc là thế hệ đi trước, người đi đầu trong việc hiến máu tại bệnh viện và có công rất lớn trong việc thành lập ngân hàng máu sống. “Đó là người anh mà tôi rất quý, quý từ cái tâm đến cái tầm của anh ấy. Anh ấy là người luôn luôn sống vì người khác, dù ngày hay đêm chỉ cần có chuyện là anh ấy sẵn sàng ngay và chẳng mấy ai làm được như anh ấy”, ông Huyên nói.