Đời sống

Gặp ác mộng ở tuổi trung niên có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm

Giấc mơ xấu hay những cơn ác mộng không chỉ liên quan đến vấn đề tâm lý mà còn là dấu hiệu ban đầu của căn bệnh nguy hiểm.

Ác mộng là những giấc mơ khó chịu, thường xảy ra vào ban đêm (đôi khi là ban ngày) khi đang ngủ. Ác mộng thường đáng sợ, gây lo lắng và khiến người gặp ác mộng bị mất ngủ. Ác mộng được chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là ác mộng lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một cảnh giống nhau. Dạng thứ hai là gặp ác mộng mỗi lần một kiểu khác nhau.

Việc gặp ác mộng có thể là do trạng thái thể chất suy giảm, do căng thẳng tột độ, do trải qua các sang chấn tinh thần, trầm cảm; quá tức giận, đau khổ, vui sướng; sốt và bệnh tật, do tác dụng phụ của một vài loại thuốc... hoặc có khi chỉ đơn giản là do thiếu ngủ hay trạng thái bất thường, không thoải mái khi ngủ, ăn quá sát giờ đi ngủ dẫn đến cung cấp rất nhiều năng lượng cho não làm não hoạt động tích cực hơn ngay cả khi ngủ...

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Birmingham còn cho thấy, ác mộng hoặc những giấc mơ xấu có thể là dấu hiệu cảnh báo của chứng sa sút trí tuệ và có thể đáng báo động trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm trước khi hiện tượng mất trí nhớ xuất hiện.

Nghiên cứu này kéo dài trong 13 năm, bao gồm 2 phần. Theo báo cáo được đăng trên eClinicalMedicine, phần 1 của nghiên cứu thực hiện trên 605 người không bị mất trí nhớ và ở độ tuổi 35-54 tuổi trong tối đa 13 năm. Những người tham gia nghiên cứu đã hoàn thành các bài kiểm tra trí nhớ từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc nghiên cứu cũng như chia sẻ các giấc ngủ của họ.

Các bài kiểm tra trí nhớ được áp dụng để đánh giá sự suy thoái của não bộ qua thời gian, cũng như các tác động tự nhiên của sự lão hóa làm suy yếu chức năng của não bộ. Suy thoái nhận thức nhanh hơn có thể là một tín hiệu của chứng sa sút trí tuệ.

Phần 2 không bao gồm các bài kiểm trí trí nhớ. Thay vào đó, 2.600 người trên 80 tuổi không mắc chứng sa sút trí tuệ được theo dõi trong vòng 5 năm. Các nhà nghiên cứu đã giám sát xem khi nào và ai phát triển chứng sa sút trí tuệ trong thời gian đó. Những người tham gia vào nghiên cứu này cũng được yêu cầu chia sẻ những cơn ác mộng mà họ trải qua.

Kết quả, những người ở độ tuổi trung niên gặp ít nhất 2 cơn ác mộng 1 tuần thì có nguy cơ suy thoái não bộ gấp 4 lần so với những người không gặp ác mộng bao giờ. Những người trên 80 tuổi nếu gặp ác mộng 2 lần 1 tuần thì được chẩn đoán là có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ gấp 2 lần người khác.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, những cơn ác mộng có thể là tác dụng phụ của quá trình suy thoái nơ ron thần kinh, quá trình biến mất của các nơ ron thần kinh ở thùy não phải, nhưng họ không tin rằng, những cơn ác mộng là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ.

Nhóm nghiên cứu cho biết, có rất ít các chỉ số nguy cơ để nhận diện chứng sa sút trí tuệ ở lứa tuổi đó. Vì thế những phát hiện trên vô cùng giá trị vì nó có thể giúp nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sớm và các bác sĩ có thể can thiệp để làm giảm quá trình phát triển của bệnh sa sút trí tuệ.

Để phòng bệnh sa sút trí tuệ, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý tới những yếu tố sau:

-Rèn luyện trí não: Các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và làm giảm tác động của bệnh.

-Hoạt động thể chất và xã hội: Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh. Theo đó, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần đồng thời, hạn chế ngồi lâu.

-Không hút thuốc lá, dùng chất kích thích: Hút thuốc, uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và các bệnh về tim mạch. Do đó, nói không với các chất này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ và cải thiện sức khỏe.

-Bổ sung đủ vitamin: Lượng vitamin D trong máu thấp tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do đó, người dân nên bổ sung vitamin D thông viên uống bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc qua thực phẩm giàu chất này như trứng, sữa, hải sản… Ngoài ra, vitamin B và C cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh này.

-Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch: Huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của sa sút trí tuệ mạch máu. Do đó, người dân nên điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và chỉ số khối cơ thể cao (BMI) sớm nếu mắc phải.

-Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

-Giấc ngủ chất lượng: Ngủ đủ và ngon giấc 8 tiếng mỗi đêm giúp thần kinh và trí não khỏe mạnh cũng như tránh nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Ngược lại, mất ngủ, khó ngủ làm thần kinh suy yếu, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.

Minh Hoa (t/h)