Cộng đồng mạng

Gặp 4 loại cây cảnh này, đẹp đến mấy cũng chỉ ngắm đừng động vào kẻo hại sức khỏe

Nhiều bộ phận của những cây cảnh dưới đây đều có "độc", do đó không nên ăn, hái lá chơi để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc gây chóng mặt, nôn mửa...

Kiến trúc và không gian trong nhà sẽ thật là thiếu sót nếu không có sự góp mặt của cây xanh. Việc trồng cây cảnh trong nhà mang đến không gian thiên nhiên tươi mát, căn nhà được trang hoàng thêm phong phú, được hòa quyện với nguồn không khí trong lành. Đặc biệt hơn là một số loại cây cảnh còn mang đến ý nghĩa phong thủy, đem về cho gia đình may mắn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết những loại cây nào là phù hợp với phòng thủy, giúp gia chủ hút tài lộc, hay loại cây cảnh nào không nên trồng trong nhà. Dưới đây là những loại cây cảnh không nên trồng trong nhà vì có thể gây hại cho sức khỏe:

Hoa loa kèn

Không nên tới gần, sờ chạm hoặc hít phấn hoa loa kèn. Ảnh: Internet.

Hoa loa kèn hay còn gọi là hoa huệ tây, hoa bách hợp,... Loài hoa này chinh phục bởi nét đẹp thuần khiết nhưng không kém phần sang trọng, kiêu sa, đài các. Loại hoa này có tên khoa học Brumansia Suaveolens (Wild), thuộc họ cà Solanaceae. "Trong hoa loa kèn chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất scopolamine, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời", bác sĩ Vũ cho hay

Mặc dù bề ngoài hoa đẹp tuy nhiên nhiều người không biết, hoa loa kèn độc có nhiều màu sắc khác nhau đỏ, cam, vàng, trắng. Loại cây này được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... Nó được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram.

"Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ scopolamine có thể gây ngộ độc. Vì thế chúng ta không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để sắc thành thức uống. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích", bác sĩ lưu ý

Hiện loài hoa này ở Đà Lạt được trồng nhiều, tuy nhiên không nên tới gần, sờ chạm hoặc hít phấn hoa này.

Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ là cây có chứa độc tố trong lá, do đó không ngắt lá nghịch.

Theo Vietnamet, cây lưỡi hổ là loại cây cảnh rất phổ biến được trồng nhiều để trang trí trong văn phòng, trong phòng khách hay thậm chí là trong phòng ngủ. Tuy nhiên, một số thông tin khuyến cáo rằng cây lưỡi hổ là cây có chứa độc tố trong lá và không nên trồng trong nhà nếu có trẻ. Bởi loại cây này chứa một chất gọi là saponin, có thể gây ngộ độc nếu ăn phải.

Các triệu chứng trúng độc từ cây lưỡi hổ gần giống như bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Kể cả vật nuôi như chó mèo nếu ăn lá cây lưỡi hổ cũng sẽ bị các triệu chứng tương tự. Đây có thể nói là tác hại duy nhất của cây lưỡi hổ được biết cho đến hiện nay.

Cây môn cảnh

Hái lá cây môn cảnh có thể gây độc.

Cây môn cảnh có thể trồng được trong bóng râm, nhưng mỗi ngày nên đưa cây ra hứng ánh sáng liên tục trong 2h vào buổi sáng từ 7h đến 9h để cây có thể quang hợp. Tuy nhiên, quá nhiều ánh sáng mặt trời hoặc ánh nắng trực tiếp có thể làm cháy lá. Theo đó mà nhiều gia đình trồng làm cảnh trong nhà.

Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, cây môn cảnh mang vẻ đẹp đặc biệt với những chiếc lá hình trái tim, nhưng hãy cẩn thận khi trồng chúng trong nhà bởi loài cây này khá nguy hiểm và gây độc. Bởi nếu vật nuôi và trẻ em tiếp xúc với lá cây, chúng có thể bị chảy nước dãi và khó thở. Trong những trường hợp này, tốt nhất mọi người nên lau rửa vùng bị nhiễm độc và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nhiễm độc hoặc trung tâm chuyên xử lý ngộ độc.

Cây trúc đào

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu.

Loại cây này có tên khoa học là Nerium oleander L thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, gồm acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt. Đặc biệt trong y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Qua thử nghiệm người ta thấy rằng, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào.

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).

Theo đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không ngậm hoa vào miệng, không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

* Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo!

Trúc Chi (t/h)