Tài chính - Ngân hàng

Gang thép Thái Nguyên có nguy cơ phá sản

Tính đến 31/3, Gang thép Thái Nguyên đang phải gánh khoản nợ khổng lồ lên đến 7.965 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với vốn chủ sở hữu của Tisco (1.917 tỷ đồng).

CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020. Tisco vẫn tiếp tục đón nhận tin xấu khi ghi nhận khoản nợ phải trả khổng lồ lên đến 7.965 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3), trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 5.481 tỷ đồng, còn nợ dài hạn là 2.484 tỷ đồng.

Số nợ trên gấp hơn 4 lần so với vốn chủ sở hữu của Tisco (1.917 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý I/2020 của doanh nghiệp đạt 4,7 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Dây chuyền công nghệ luyện kim của dự án Tisco-2 dầm mưa dãi nắng.

Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, Tisco đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng. "Việc mất cân đối 2.505 tỷ đồng khiến Tisco có khả năng vỡ nợ, nguy cơ phá sản hiện hữu", báo cáo nêu.

Trước đó, tại báo báo tài chính hợp nhất 2019, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của Tisco. Theo đó, đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của Tisco đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay xấp xỉ 4.853 tỷ đồng.

"Khả năng hoạt động liên tục của Tisco cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh", AASC nêu.

Đáng lưu ý, báo cáo của Tisco nêu rõ, chi phí xây dựng dự án Tisco 2 (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - CTCP Gang thép Thái Nguyên) lên đến 5.429 tỷ đồng. Dù dự án đắp chiếu nhiều năm nhưng Tisco vẫn phải trả tiền cho người bán liên quan đến dự án.

Riêng trong quý I/2020, số tiền này là 281,6 tỷ đồng, trong đó trả cho Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc MCC 122,2 tỷ đồng.

Năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động" vì không bố trí được nguồn vốn.

Hiện tại, 93% thiết bị đã ở công trường nhưng cả ba hợp phần của dự án vẫn dang dở, khiến một số thiết bị đã lắp đặt ngoài trời bị xuống cấp sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng.

Đến năm 2015, dự án này bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong kết luận mới công bố.

Cho đến nay, bài toán dự án Tisco 2 vẫn bế tắc trong khi chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là đến hạn mốc hoàn thành xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành công thương.

Dự án Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD, do MCC là Tổng thầu EPC, hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng.

Tại phiên họp ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì vào đầu tháng 4/2020, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel (công ty mẹ của Tisco) thừa nhận, việc bám theo nguyên tắc xử lý dự án theo cơ chế thị trường và Nhà nước không cấp vốn, đồng thời đảm bảo vốn nhà nước tại doanh nghiệp có xác suất không khả thi rất cao.

Điều này đã khiến các đơn vị, cá nhân trực tiếp xử lý dự án chần chừ, chỉ đưa ra kiến nghị chung chung và chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên.

Đàm phán giữa Tisco và nhà thầu Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm. Điều kiện tiên quyết mà phía nhà thầu Trung Quốc đưa ra là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án.

Năm 2014, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã từng góp thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào Tisco, nhưng sau 3 năm hết kiên nhẫn, đã rút toàn bộ phần vốn này. Suốt thời gian qua, thỏa thuận với nhà thầu MCC vẫn chưa kết thúc do nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư.

Một phương án đã được đưa ra tại cuộc họp nói trên là bán toàn bộ phần vốn của VNSteel tại dự án, đồng thời, chuyển trách nhiệm bảo lãnh liên quan đến các khoản vay nợ của Tisco sang nhà đầu tư mới. SCIC là đầu mối được giao xử lý việc thoái vốn này.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc kêu gọi nhà đầu tư vào để vực dậy dự án là phương án tối ưu hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán dòng vốn, tổng số vốn "đổ" vào để có thể tiếp tục triển khai dự án này. Ông Hiếu khẳng định phương án này cũng bảo đảm nguyên tắc không "rót" ngân sách để cứu các dự án thua lỗ mà Chính phủ đề ra. Dù vậy, với một dự án "đắp chiếu" như thế này thì Chính phủ cần có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền. Bước đầu, nên tính toán chính xác số tiền cần để có thể tái khởi động dự án cho đến lúc hoàn thành, từ đó làm cơ sở cho các nhà đầu tư cân đối.

Việc tìm được nhà đầu tư phù hợp là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây không chỉ là câu chuyện về giá, bài toán bán vốn tại dự án của Tisco còn cần nhà đầu tư có năng lực tài chính để có thể chạy đường dài.

Ngày 20/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Tisco 2.

5 bị can bị khởi tố gồm: Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam; Đậu Văn Hùng - cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam; Trần Trọng Mừng - cựu tổng giám đốc Tisco; Trần Văn Khâm - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tisco; Ngô Sỹ Hán - cựu Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco.

Hiếu Nguyễn