Tài chính - Ngân hàng

Hơn 33.600 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý III/2022

Tổng lượng trái phiếu đáo hạn quý III đạt gần 65.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm chủ yếu là trái phiếu bất động sản với tỉ lệ 52%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect mới đây đã có báo cáo thị trường thị trường trái phiếu quý II/2022. Theo đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý II/2022 đạt 111.814 tỷ đồng, giảm 43,7% so với cùng kỳ.

Thị trường TPDN chậm lại trong 6 tháng đầu năm

Trong quý II/2022, có 60 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 111.514 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng 88,5% so với quý trước, và giảm 40% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý gồm Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và công ty con VinFast (16.269 tỷ đồng) (phát hành ra quốc tế), BIDV (HoSE: BID) (13.005 tỷ đồng) và MB (HoSE: MBB) (10.190 tỷ đồng).

Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 69,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý II, tăng 773,8% so với quý I, và giảm 10,1% so với cùng kỳ. Tập đoàn đa ngành là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 12,8%, tương đương 14.269 tỷ đồng, tăng 904,9% so với cùng kỳ, hầu hết đến từ Tập đoàn Vingroup.

Trên bối cảnh chính phủ thắt chặt hơn trong việc phát hành TPDN riêng lẻ thuộc ngành bất động sản, giá trị phát hành của ngành này có dấu hiệu giảm mạnh và chiếm tỉ trọng thứ 3 với 11%. Cụ thể, tổng giá trị phát hành TPDN riêng lẻ của ngành bất động sản đạt 12.248 tỷ đồng trong quý II, giảm 58,9% so với quý I; giảm 78,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các ngành khác chiếm 6,9% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 7.713 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,4% so với quý trước và giảm 81,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 69,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý II.

Trong quý II/2022, 0,3% tổng giá trị TPDN được phát hành ra công chúng, giảm so với mức 9,1% trong quý I/2022. Giá trị phát hành TPDN công chúng giảm mạnh khi chỉ có CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) phát hành 300 tỷ đồng.

VNDirect đánh giá 6 tháng đầu năm là khoảng thời gian tương đối trầm lắng đối với thị trường TPDN khi tổng giá trị phát hành giảm 23,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 176.867 tỷ đồng; trong đó là 170.672 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 19,5%) và 6.196 tỷ đồng phát hành ra công chúng (giảm 68,5%).

Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong nửa đầu năm 2022, chiếm 50,9% tổng giá trị phát hành, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Bất động sản chiếm 24,0% tổng giá trị phát hành, giảm 41% so với cùng kỳ. Nhóm sản xuất và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 12,5% và 12,6% tổng giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 2,6% và 52,1% so với cùng kỳ.

65.000 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý III

Quý III/2022, VNDirect nhận định tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn sẽ đạt mức 64.696 tỷ đồng, tăng 82,7% so với quý trước và tăng 243,8% so với cùng kỳ. VNDirect cho rằng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng lớn TPDN với kỳ hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021.

Trong quý III, bất động sản sẽ là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 52% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ, tương đương 33.624 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).

Tài chính - Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn thứ hai với 37,2% tương đương 24.036 tỷ đồng, tăng 17,6% so với quý II và tăng 216,5% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: Techcombank (HoSE: TCB) (5.000 tỷ đồng), LienVietPostBank (HoSE: LPB) (2.700 tỷ đồng) và Sacombank (HoSE: STB) (2.000 tỷ đồng).

Các ngành khác chiếm 10,9% với 7.036 tỷ đồng, tương ứng tăng 198,2% so với quý II và tăng 319,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp ngoài nhóm bất động sản và tài chính - ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: Tập đoàn Sovico (1.250 tỷ đồng), Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) (600 tỷ đồng) và Đầu tư Xây dựng Trung Nam (600 tỷ đồng).