Sự kiện

Gần 300 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi ở Thái Bình được tiêu hủy, tạm dừng giết mổ lợn

Các cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình đang tập trung dập dịch tả lợn châu Phi. Gần 300 con lợn mắc dịch đã được đưa đi tiêu hủy an toàn.

Ngày 27/2, ông Phạm Thành Nhương - Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, những ngày qua, đơn vị này và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh vẫn đang tập trung phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) và Lô Giang (huyện Đông Hưng).

Cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Nhương, đến ngày 26/2, tại hai xã Đông Đô và Lô Giang, cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã thực hiện tiêu hủy tổng cộng 273 con lợn bị mắc dịch (xã Đông Đô có 124 con, xã Lô Giang có 118 con). 

Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, những con lợn ốm đều được tiêu hủy theo qui định; các hoạt động buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn đều phải tạm dừng; các hộ chăn nuôi thực hiện đóng cửa chuồng trại; việc phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng được thực hiện hàng ngày tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp.

Cũng theo ông Phạm Thành Nhương, từ ngày 22/2 đến nay, tại xã Đông Đô không phát sinh ổ dịch mới. Riêng xã Lô Giang đến chiều ngày 25/2 vẫn phát sinh ổ dịch.

Phun thuốc phòng ngừa dịch tả tại khu vực chăn nuôi có dịch tả lợn châu Phi.

Từ khi xuất hiện dịch đến nay, tỉnh Thái Bình đã cấp tổng cộng 6.000 lít hóa chất phục vụ phun tiêu độc, khử trùng cho 8/8 huyện, thành phố, trong đó huyện Hưng Hà được cấp 2.000 lít, huyện Đông Hưng 1.000 lít; các huyện, thành phố còn lại được cấp 500 lít/huyện.

Ông Phạm Thành Nhương thông tin thêm, theo chính sách hiện hành, các hộ có lợn bị tiêu hủy trong tỉnh sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy.

Đối với địa bàn toàn tỉnh, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tiến hành lập thêm các chốt kiểm soát ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, qua đó thực hiện tiêu hủy ngay khi phát hiện lợn không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn.

Chốt kiểm dịch được thiết lập để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi.

Các ngành Công an, Giao thông - Vận tải, Quản lý thị trường... tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm dịch, phối hợp với chính quyền các địa phương để kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn, nhất là ở các vùng có dịch.

Chính quyền, cơ quan chức năng ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh cũng chủ động vật tư, hóa chất, vôi bột phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn ốm. In tờ rơi, sử dụng xe lưu động để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.