Giáo dục

Gần 2.000 trường học của TP.HCM sẽ triển khai chương trình Sữa học đường từ 1/11

Chiều 31/10, sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, sở Y tế TP và sở Thông tin – Truyền thông đã phối hợp để họp báo công bố triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm chương trình Sữa học đường tại 10 quận, huyện gồm: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ từ ngày 1/11.

Các trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 trong các trường công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội tại các quận, huyện này sẽ được uống một hộp sữa 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM tại buổi họp báo.

Chương trình được triển khai nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM.

Các trường học trong chương trình đều được tập huấn việc cấp phát sữa uống tại lớp, cách xử lý khi có sự cố xảy ra, cách theo dõi, đánh giá các chỉ số về thể chất của trẻ trước, trong và sau thời gian uống sữa.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã khảo sát ý kiến phụ huynh tại 10 quận, huyện trước khi triển khai.

“Chúng tôi đã tổ chức tập huấn đối với lãnh đạo các phòng GD&ĐT, lãnh đạo trường học, giáo viên và nhân viên y tế và mời đại diện phụ huynh học sinh tham gia giám sát.

Địa bàn TP.HCM khá rộng nên chúng tôi thực hiện thí điểm để đánh giá hiệu quả, trước khi nhân rộng toàn thành phố. Trong đó, chúng tôi ưu tiên quận huyện ngoại thành, khu vực có nhiều KCN, KCX để quan tâm trẻ em, học sinh có điều kiện khó khăn”, bà Thu nói.

Đại diện sở GD&ĐT TP cũng công bố, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 1.581 cơ sở mẫu giáo và 239 trường tiểu học của 10 quận, huyện tham gia chương trình.

Vị này cũng khẳng định, chương trình được triển khai dựa trên tinh thần tự nguyện, sở GD&ĐT TP không áp đặt chỉ tiêu thi đua cho các trường học.

Trả lời câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin về việc phòng ngừa hiện tượng tiêu cực trong thu chi khi triển khai chương trình, bà Diễm Thu cho biết: “Mỗi hộp sữa 180ml của chương trình sẽ có logo để phân biệt là sữa học đường với hàng hóa trên thị trường.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tuyên truyền rõ về giá hộp sữa đến các phụ huynh. Sở Tài chính TP cũng có hướng dẫn, thu chi quyết toán dành cho các trường”.

Trẻ em và học sinh tại 10 quận, huyện TP.HCM sẽ uống sữa học đường từ tháng 11/2019.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc sở Tư pháp TP.HCM) được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà cung cấp sữa có năng lực, có chất lượng sữa phù hợp với tiêu chuẩn của đề án chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 – 2020 tại TP.HCM. Đơn vị trúng thầu chương trình là công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tiến hành bước ký kết hợp đồng cung cấp với các trường học. Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa.

Trong đó, nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20% và phụ huynh phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, TP và Vinamilk sẽ hỗ trợ miễn phí hoàn toàn.

Về quản lý chất lượng sữa, đại diện ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, việc kiểm soát tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của bộ Y tế.