Dân sinh

Gần 10 năm đạt nông thôn mới, người dân vẫn “khát” nước sạch

Mặc dù đã đạt nông thôn mới cách đây 10 năm, nhưng người dân tại xã Nghi Thái vẫn đang phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nổi váng và có màu vàng đục.

Khốn khổ phải dùng nước nhiễm phèn

Chỉ vào hệ thống lọc nước được đầu tư hàng triệu đồng, anh Nguyễn Hồng Quang (35 tuổi), trú ở xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, do không có nước sạch nên gia đình phải sử dụng nước giếng khoan.

"Nước ở đây khi được bơm lên bị nhiễm phèn nặng, có màu vàng khè, đục ngầu. Vậy nên, gia đình chúng tôi phải sử dụng hệ thống lọc nước qua nhiều bước và cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu tắm rửa hàng ngày. Chứ còn việc ăn uống thì phải mua bình nước sạch ở ngoài, chi phí mỗi tháng rơi vào khoảng từ 800.000 – 1.000.000 đồng”, anh Quang nói.

Nước tại gia đình anh Quang khi bơm lên có màu vàng, đục ngầu.

Không chỉ riêng gia đình anh Quang, các hộ dân nơi đây đang phải sử dụng từ nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng, nổi váng và có màu vàng đục. Nước sạch chưa về không chỉ gây ra tình cảnh khốn khổ cho người dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống không thể phát triển mạnh dù nắm giữ lợi thế khi nằm trên trục đường lớn của tỉnh Nghệ An.

Chị Phan Thị Quỳnh Anh (32 tuổi) trú xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, cho hay gia đình có khu đất rộng gần 200m2 nằm ngay mặt đường DT535. Đây là tuyến đường nối từ trung tâm Tp. Vinh xuống Cửa Hội, Tx. Cửa Lò được tỉnh Nghệ An đầu tư nâng cấp, mở rộng với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông qua lại nên nhiều năm nay gia đình chị có ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh ăn uống để nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập.

"Thế nhưng, do chưa có nước máy và đang phải dùng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng, không đảm bảo an toàn vệ sinh nên tôi không dám đầu tư thực hiện”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Mặc dù lọc qua nhiều lần nhưng nước này người dân không dám dùng trong ăn uống.

Được biết, xã Nghi Thái có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất cát bạc màu, khô hạn, đất nông nghiệp bị nhiễm phèn và nhiễm mặn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, đa số các giếng nước trong xóm đều bị nhiễm phèn nặng, cho dù lọc qua lọc lại nhiều lần nhưng nước vẫn không đảm bảo.

Bài toán chưa có lời giải

Điều đáng nói, cuối năm 2014, Nghi Thái đón nhận danh hiệu xã chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt hơn, Nghi Thái là xã đầu tiên của huyện Nghi Lộc về đích trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vào thời điểm đó, người dân mong chờ nước sạch về để sử dụng, với mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Thậm chí, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về vấn đề cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, hàng trăm người dân nơi đây vẫn đang “khát” nước sạch.

Các bể lắng chỉ trong thời gian ngắn cũng xuất hiện màu ố vàng.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Nghi Thái xác nhận, hiện nay, toàn xã Nghi Thái đều chưa có nước máy để sử dụng, các hộ dân đang phải dùng nước giếng khoan, bể lọc. Địa phương đã tự bỏ chi phí để lắp 2 đường ống, trong đó một đường nối từ xã Nghi Đức đến xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái; một đường thì nối từ ĐT 535 vào UBND xã. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được đấu nối nước sạch để dùng.

“Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây, theo dự kiến của đơn vị cấp nước thì tháng 6/2024, đơn vị này sẽ tiến hành đấu nối vào các vùng trung tâm của xã và một số hộ dân mặt đường tỉnh 535. Như vậy địa phương sẽ phải chờ hơn nửa năm nữa và thực chất cũng chưa rõ khi nào được dùng nước sạch, bởi hiện nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, Chủ tịch xã Nghi Thái cho biết thêm.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Nghệ An cho biết, khu vực đường tỉnh 535 chưa được đấu nối vì liên quan đến tuyến đường do Sở GTVT Nghệ An quản lý.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các thủ tục đầu tư, cấp phép để cố gắng đưa nước sạch về sớm cho người dân”, ông Hà nói.

Người dân mong muốn nước sạch đưa về để thay cho nguồn nước không đảm bảo.

Được biết, ở huyện Nghi Lộc, trong số 29 xã, thị với 55.416 hộ dân, mới có 35,38% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung. Tại đây có 2 công trình cấp nước do UBND xã Nghi Lâm xây dựng nhằm cấp nước cho các xóm 6, 8, 9, 10 của xã này và do UBND xã Nghi Diên xây dựng, nhưng cả 2 công trình này đều đã dừng hoạt động. Hiện tại, người dân các xã khu vực phía Bắc của huyện đang phải sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước Cửa Lò đóng tại xã Nghi Hoa; và một số xã phía Nam thì được sử dụng nguồn nước từ nhà máy ở vùng phụ cận Tp. Vinh.

Còn riêng đối với người dân các xã Nghi Thái, Phúc Thọ và Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) mặc dù nằm giữa “hành lang” của khu vực Tx. Cửa Lò và Tp. Vinh, thế nhưng vẫn chưa có nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để dùng.

Chưa kể, trong đề án quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, các địa phương này sẽ được sát nhập vào Tp. Vinh. Mặc dù được hưởng lợi từ rất nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, đời sống ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vấn đề khi nào có nước sạch để dùng vẫn quá xa vời đối với các hộ dân nơi đây.