Giáo dục

Gặp gỡ, chia sẻ cùng 63 giáo viên "cắm bản"

Tại buổi gặp gỡ “Chia sẻ cùng thầy cô” 2019, 63 thầy cô là giáo viên "cắm bản" đã hội tụ, cùng chia sẻ những câu chuyện gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số.

Trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019, chiều 15/11, bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu đang giảng dạy cho học sinh người dân tộc thiểu số tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong nhiều năm qua, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt biệt quan tâm. Hiện nay, Quốc hội đang tập trung thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho công tác giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong rằng, 63 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương năm nay sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sáng kiến của Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và bộ GD&ĐT cùng tập đoàn Thiên Long đã tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” từ năm 2015 đến nay. Đồng thời mong rằng, 63 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương năm nay sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

“Bộ GD&ĐT ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các giáo viên tại buổi gặp mặt, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo viên, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi gặp gỡ và chia sẻ, 63 thầy cô mang theo 63 câu chuyện khác nhau, chuyện đời, chuyện nghề, những câu chuyện xúc động với học trò, với bản làng nơi mình gieo con chữ cho học sinh dân tộc thiểu số.

Nhiều giáo viên chia sẻ câu chuyện của mình.

Cô giáo Lương Thị Hòa (SN 1986), là giáo viên Âm nhạc với gần 12 năm gắn bó với các học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình không giấu nổi niềm xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm với học trò: “Bất cứ nơi nào mình đi qua, dùng chính tình yêu để dạy cho học sinh, như mang đến những món quà của cuộc sống. Nhiều người nói rằng, giáo viên mong mỏi đến ngày 20/11 để nhận quà, nhưng bản thân tôi, chưa một lần được nhận những món quà vật chất, nhưng tôi yêu điều đó, chính bản thân tôi cũng không bao giờ để con tôi mang phong bì đến tặng cô giáo. Nhiều phụ huynh cứ “làm hư” giáo viên rồi lại trách giáo viên.

Thời điểm mới ra trường, đồng lương eo hẹp, tôi phải đi làm thêm rất nhiều công việc vào các dịp hè. Từ năm 2009, tôi đã đi làm thêm ở các nhà hàng. Tôi ở thành phố, nhà cách trường hơn 50km, ngày nào cũng đều đặn sáng đi tối về, không kể nắng mưa. Tôi quá yêu những ngôi trường xa xôi, quá yêu thương các em học sinh ở đó, mới gắn bó, không thể rời xa...

Cô giáo Lương Thị Hòa, giáo viên Âm nhạc với gần 12 năm gắn bó với các học sinh dân tộc thiểu số tại Hòa Bình, không kìm được những giọt nước mắt vì xúc động.

Một em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, yêu nghề giáo viên Âm nhạc giống như tôi, tôi đã hỗ trợ em để thực hiện ước mơ đó, hiện tại, em đã trở thành một giáo viên Âm nhạc giống như tôi. Nhà em cũng ở cách xa trường, 8km đường rừng, ngày nào cũng ở lại trường vào buổi trưa, nắm cơm nắm theo để ăn. Đến khi tôi chuẩn bị chuyển trường, phải đi nhờ một xe tải chở ngô đến trường mới, thì em học sinh đó tất tả chạy theo tôi, ôm chầm lấy tôi để bày tỏ không muốn cô đi đâu. Lúc đó tôi càng cảm nhận được tình cảm của học sinh dành cho mình...”.

Thầy Ksor Giêng, giáo viên tại trường Tiểu học và THCS EA Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cũng chia sẻ: “Dường như việc gắn bó với ngôi trường này cũng đã trở thành niềm hạnh phúc của chúng tôi. Mặc dù, chưa bao giờ nhận được những món quà vật chất, nhưng tình cảm của các em học sinh thì dạt dào. Các em quý thầy cô, có những em sau khi tốt nghiệp mấy năm vẫn còn nhớ, hỏi thăm thầy. Tôi trân quý điều đó”.

Từ năm 2015-2018, triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; các trường học tại các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội; các cán bộ, chiến sỹ BĐBP đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” ở khu vực biên giới...

Tuyên dương 63 giáo viênđang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Năm 2019, chương trình tuyên dương 63 giáo viên, trong đó có 23 giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Giáo viên trẻ tuổi nhất được tuyên dương năm nay là cô Mùa Thị A (SN 1993), công tác tại trường mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; người nhiều tuổi nhất và có thời gian tham gia dạy học lâu năm nhất (hơn 32 năm) là cô Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1965), công tác tại trường THCS Nguyễn Huệ, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.