Thế giới

Không chấp nhận làm “đà điểu vùi đầu vào cát”, gã khổng lồ hóa chất châu Âu hướng tới Trung Quốc

Trước sức ép của khủng hoảng năng lượng, BASF đang cắt giảm quy mô sản xuất ở “sân nhà” châu Âu và lấy Trung Quốc làm trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng.

Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF SE của Đức cho biết họ sẽ giảm quy mô vĩnh viễn ở châu Âu, làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh “phi công nghiệp hóa” ở châu lục này khi tình trạng giá năng lượng cao trở nên cố hữu, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ).

Việc giá khí đốt tự nhiên trở nên đắt đỏ ở châu Âu theo sau xung đột Nga-Ukraine đã khiến vô số doanh nghiệp ở “lục địa già” điêu đứng. Làn sóng đóng cửa sản xuất và vỡ nợ ập đến với nhiều ngành công nghiệp, từ thép, nhôm đến sản xuất ô tô và thậm chí sản xuất giấy vệ sinh.

Ngành công nghiệp hóa chất đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì đây là ngành cực kỳ thâm dụng khí đốt. Trong ngành này, khí đốt vừa tạo ra điện năng để vận hành máy móc, nhà xưởng, vừa làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các hóa chất phục vụ các ngành sản xuất khác như kem đánh răng, dược phẩm và ô tô.

Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch giá rẻ từ Nga, nay các nhà sản xuất châu Âu đã phải nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng với tình hình giá năng lượng leo thang.

Phải hành động ngay

Nhận thức được thực tế rằng tình trạng giá năng lượng đắt đỏ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển sản xuất sang các thị trường khác như Mỹ và Châu Á.

“Các điều kiện khung đầy thách thức ở châu Âu gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh quốc tế của các nhà sản xuất châu Âu, và buộc chúng tôi phải điều chỉnh cơ cấu chi phí của mình càng nhanh càng tốt và cho lâu dài”, Giám đốc Điều hành BASF Martin Brudermüller cho biết hôm 26/10.

“Chúng tôi không thể như đà điểu vùi đầu vào cát và hy vọng rằng tình huống khó khăn này sẽ tự được giải quyết được”, ông nói.

Trụ sở Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF SE ở Ludwigshafen, Tây Nam nước Đức. Ảnh: Rubber News

BASF, một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới có trụ sở tại Ludwigshafen ở Tây Nam nước Đức, cho biết giá năng lượng cao là một trong những thách thức chính đối với các nhà sản xuất châu Âu. Ông Brudermüller cho biết công ty của ông “phải hành động ngay bây giờ”.

Công ty sẽ cắt giảm 500 triệu Euro chi phí hàng năm ở châu Âu cho đến năm 2024, tập trung vào việc tiết kiệm chi phí ở các đơn vị phi sản xuất trong các bộ phận điều hành, dịch vụ và R&D cũng như tại trụ sở công ty.

Gã khổng lồ hóa chất Đức cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, họ đã phải chi nhiều hơn 2,2 tỷ Euro cho khí đốt tại các cơ sở ở châu Âu so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giá khí đốt tự nhiên và giá điện tăng đáng kể trong năm nay đang gây áp lực lên các chuỗi giá trị hóa chất”, ông Brudermüller nói.

Giá cổ phiếu BASF đã tăng 0,4% hôm 26/10. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của họ đã giảm 25%.

Không còn như xưa

Những thách thức khác khiến các nhà sản xuất ở châu Âu “đau đầu” bao gồm chi phí lao động cao, các quy tắc tuyển dụng cứng nhắc và các quy định nghiêm ngặt về môi trường.

“Những bất định do số lượng lớn các quy định mà EU có kế hoạch áp dụng đang đè nặng lên ngành công nghiệp hóa chất”, Giám đốc Điều hành BASF cho biết.

Giá khí đốt ở châu Âu có vẻ hạ nhiệt trong những tuần gần đây, với mức giảm khoảng 28% trong suốt một tuần, do thời tiết ấm hơn và các kho dự trữ khí đốt của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được lấp đầy đến 93%, theo ước tính do hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) công bố hôm 26/10.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, giá khí đốt vẫn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và không có gì đảm bảo giá loại nhiên liệu hóa thạch này sẽ không tăng lên trong nay mai do những bất định mà bối cảnh địa chính trị hiện tại và biến đổi khí hậu có thể mang lại. Các chuyên gia và chính trị gia cảnh báo rằng các doanh nghiệp châu Âu phải sẵn sàng kế hoạch cho trường hợp giá cao hơn mới có thể tồn tại lâu dài.

“Chúng ta không được tự đánh lừa mình: Mặt bằng giá vẫn còn cao và nó sẽ không giống như trước khi cuộc chiến của ông Putin bắt đầu”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo hôm 25/10.

Trọng tâm chiến lược

Giữa những rắc rối ở châu Âu, BASF và các công ty công nghiệp khác của Đức đã nỗ lực mở rộng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, bất chấp những lo ngại gia tăng ở Berlin về sự phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.

BASF đang đầu tư vào một tổ hợp sản xuất ở Trạm Giang, miền Nam Trung Quốc với số vốn dự kiến 10 tỷ Euro, công ty cho biết hồi tháng 9. Đây sẽ là tổ hợp sản xuất lớn thứ ba trên toàn cầu của công ty khi nó được hoàn thành vào năm 2030.

Theo công ty Đức, Trung Quốc - thị trường hóa chất lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới - là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của họ.

Nhà máy tại thành phố Trạm Giang - nằm trong tổ hợp sản xuất của BASF ở Trung Quốc - sản xuất 60.000 tấn hợp chất nhựa kỹ thuật hàng năm. Ảnh: Nikkei Asia

Chính phủ Đức đã khuyến khích các doanh nghiệp duy trì sự hiện diện của họ ở Trung Quốc đồng thời đa dạng hóa bằng cách tăng cường tiếp xúc với các thị trường khác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới. Ông Scholz sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trong Nhóm 7 làm điều này kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

BASF cho biết hôm 26/10 rằng doanh thu bán hàng của họ trong quý III đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng trong quý III là 909 triệu Euro, so với khoảng 1,25 tỷ Euro của cùng kỳ năm trước đó.

Gã khổng lồ hóa chất Đức cũng cho biết, họ đang bám sát triển vọng năm 2022, kỳ vọng doanh thu cả năm đạt 86-89 tỷ Euro.

Minh Đức (Theo WSJ, Reuters, UPI)