Dân sinh

Ga Đà Lạt mở cửa đón khách sau thời gian ngừng hoạt động

Ga Đà Lạt chính thức vận hành lại tàu du lịch tuyến Đà Lạt - Trại Mát sau hơn nửa năm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Video Ga Đà Lạt mở cửa đón khách.

Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 2001. Ngoại trừ đầu kéo hơi được thay bằng máy chạy dầu, thì các toa khách đều là toa xe cổ được phục hồi, kể cả đường ray. Hiện, Ga Đà Lạt chỉ còn một tuyến đường sắt duy nhất dài 7km được phục hồi, đưa du khách đến Trại Mát, tham quan chùa Linh Phước từ ngày 1/1/2022.

Được khởi công vào năm 1935 và hoàn tất vào năm 1938, đây là lần đầu tiên người ta đưa yếu tố mỹ thuật về kiến trúc và công trình vào việc xây dựng một công trình có tính thẩm mĩ cao. Với kiến trúc hình dáng như núi Lang Biang, có chiều dài 66,5m,chiều rộng 11,4m và có chiều cao 11m với mô hình kiến trúc giống như nhà ga của các tỉnh miền ở nước Pháp với mái trên có hình vòm uốn cong.

Nếu nhìn từ phía trước nhìn theo hướng mái nhà có 3 mái nhọn nhô ra ở phía chân theo phương thẳng đứng, phía trước có 3 chóp nhọn hình tam giác tượng trưng cho 3 đỉnh núi Lang Biang, còn các mái ngói ở chân tam giác như sườn núi. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc vừa duyên dáng vừa độc đáo, là sự kết hợp với kiến trúc phương tây kết hợp với kiểu kiến trúc nhà rông Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng Ga Đà Lạt cho biết: “Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 vừa qua, Ga Đà Lạt đón hơn 5.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 500 khách trải nghiệm chuyến tàu cổ Đà Lạt - Trại Mát”.

"Chúng tôi rất mừng và đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện an toàn để hoạt động trở lại. Dù ngành đường sắt không có quy định giãn cách nhưng với lượng khách chưa đông nên ga đã chủ động bố trí giãn cách trên các toa để đảm bảo an toàn cho du khách. Ga cũng triển khai đến cán bộ, nhân viên về các quy định an toàn, đồng thời nhắc nhở hành khách đến ga cố gắng thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế”, ông Chánh cho biết thêm.

Trong dự kiến, ga mở cửa vận hành, đón khách vào ngày 25/11/2021 nhưng do dịch bệnh nên khách đến tham quan, trải nghiệm còn ít so với những năm trước, nên đơn vị chưa khởi động lại các toa xe lửa. Du khách chủ yếu đến tham quan, chụp hình và sử dụng dịch vụ đi kèm như gian hàng lưu niệm, vẽ tranh bút lửa, uống cà phê…Vì vậy, đến ngày 1/1/2022 nhà ga mới bắt đầu vận hành 3 chuyến đầu tiên. Trung bình, mỗi ngày Ga Đà Lạt đón khoảng 200 khách tham quan và thường đông đúc hơn vào dịp cuối tuần.

Là một trong số ít du khách nước ngoài đến Đà Lạt dịp này, gia đình chị Aurelya (du khách đến từ Litva) đã có những trải nghiệm tuyệt vời trong không khí se lạnh những ngày đầu năm mới. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Đà Lạt, thật bất ngờ vì mọi thứ còn đẹp hơn rất nhiều so suy nghĩ. Và cũng may mắn khi là những hành khách đầu tiên trên chuyến tàu năm mới. Tôi chắc chắn sẽ còn trở lại nơi này”, chị Aurelya chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang mở cửa đón khách trong trạng thái bình thường mới dựa trên các tiêu chí an toàn trong hoạt động đón tiếp và phục vụ khách. Nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phục hồi, duy trì hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách và người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Ngành du lịch Lâm Đồng đã và đang chủ trương thực hiện phương châm “Vắc-xin - 5K - Công nghệ thông tin - Ý thức” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn, trong thời gian này Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an Tp.Đà Lạt và Công an các phường 9, 10, 11 và xã Xuân Thọ cũng phối hợp với các ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra các vị trí giao cắt đường bộ đường sắt, các lối mở có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đồng thời, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là quy định về trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt, đường bộ; kiểm tra các hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải đường sắt.

Theo ông Chánh, với các giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn, hàng năm Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam liên tục thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp tại ga Đà Lạt.