Thế giới

G7 tìm cách lấy lại ảnh hưởng khi Trung Đông chuyển mình

“Sự mệt mỏi vì Trung Đông” của phương Tây để ngỏ cánh cửa cho những bên khác lấp đầy khoảng trống.

Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm Bảy nền kinh tế phát triển (G7) sẽ sử dụng các cuộc hội đàm tại Nhật Bản, diễn ra từ cuối tuần này để đánh giá chiến lược của mình ở Trung Đông, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 13/4, trong bối cảnh phương Tây cảm thấy ảnh hưởng bị suy giảm khi để lỡ những bước chuyển chiến lược trong khu vực.

Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu đã bị bất ngờ khi hồi tháng 3 Trung Quốc đã thành công làm trung gian giúp hai kẻ thù khu vực là Ả Rập Xê-út và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm cạnh tranh gay gắt, vốn đã gây ra xung đột trên khắp Trung Đông.

Thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran có thể chứng minh là bước đầu tiên quan trọng để đi đến hồi kết của cuộc giao tranh ở Yemen, đang diễn ra giữa liên minh Ả Rập và lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn kể từ năm 2014.

Ngoài ra, nó còn mở ra cơ hội hội nhập lớn hơn khi nó mở đường để cả Ả Rập Xê-út và Iran có khả năng trở thành một phần của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đóng vai trò là đối trọng với G7.

Một người dân ở Tehran cầm một tờ báo địa phương, ra ngày 11/3/2023, đưa tin về thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Iran và Ả Rập Xê-út nhằm khôi phục quan hệ. Ảnh: Getty Images

Bản thân Ả Rập Xê-út cũng đang thúc đẩy các nỗ lực làm tan băng mối quan hệ song phương với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng với một số quốc gia Ả Rập khác tiến tới chính thức chấm dứt tình trạng bị cô lập trong khu vực của Syria, bất chấp những lo ngại của phương Tây.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp đã chính thức thông báo với các phóng viên rằng công cuộc tái định hình khu vực này đang được tiến hành.

Các Ngoại trưởng của G7 (bao gồm Pháp, Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ và Nhật Bản) sẽ hội đàm ở thành phố nghỉ dưỡng có suối nước nóng Karuizawa, tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản từ ngày 16-18/4.

“Trung Đông đang trải qua những biến động quan trọng, có thể là khía cạnh khủng hoảng hạt nhân Iran, nhưng cũng là sự tái lập cán cân địa chính trị với thỏa thuận Iran-Ả Rập Xê-út do Trung Quốc làm trung gian. Và chúng ta có thể thấy điều gì đó đang xảy ra với Syria sau thảm họa động đất”, nhà ngoại giao Pháp nói.

Một số đồng minh ở Trung Đông, đặc biệt là Ả-rập Xê-út, đã đặt câu hỏi về các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực và đã chọn giữ thái độ trung lập trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, thúc đẩy họ đa dạng hóa các mối quan hệ, bao gồm cả với Trung Quốc, thay vì dựa vào phương Tây.

“G7 phải có khả năng bảo vệ các lợi ích an ninh của chính mình, cũng là lợi ích của an ninh khu vực và an ninh toàn cầu”, nhà ngoại giao cho biết.

Tổng thống Syria Bashar Assad (trái) trò chuyện với Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al-Nahyan, tại Abu Dhabi, UAE, ngày 19/3/2023. Ảnh: Times of Israel

Một số nhà ngoại giao châu Âu đã phàn nàn rằng “sự mệt mỏi vì Trung Đông” của phương Tây cũng đã buộc các bên trong khu vực này phải xem xét lại mối quan hệ của họ, để ngỏ cánh cửa cho những bên khác lấp đầy khoảng trống.

“Thỏa thuận Iran-Ả Rập Xê-út do Trung Quốc làm trung gian là triệu chứng của các vấn đề của chúng ta. Không ai lường trước nó sẽ xảy ra. Do đó, chúng ta cần tập hợp lại với nhau”, nhà ngoại giao G7 thứ hai cho biết.

Nhà ngoại giao phương Tây thứ ba cho rằng đã đến lúc G7 nắm bắt các động lực mới trong khu vực, lưu ý rằng những nỗ lực do Ả Rập Xê-út dẫn đầu nhằm dàn xếp việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC, trái với mong muốn của phương Tây, là một tín hiệu khác.

Các Ngoại trưởng, những người đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia G7 tại Hiroshima vào giữa tháng 5 tới, cũng sẽ hướng các cuộc hội đàm của họ vào các vấn đề, bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị trong khi không quên để mắt đến Triều Tiên, Iran và Nga.

Nhà ngoại giao Pháp cho biết, xung đột ở Ukraine và cách ngăn chặn Nga lách các lệnh trừng phạt, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và rộng hơn là cách giải quyết những thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

“G7 sẽ chỉ đáng tin cậy nếu nhóm này có thể xử lý các vấn đề của thế giới”, nhà ngoại giao Pháp kết luận.

Minh Đức (Theo Reuters, Al-Monitor)