Thế giới

G7 không mặn mà với việc thay đổi trần giá dầu Nga

Giá dầu thô Urals hàng đầu của Nga đã phục hồi lên mức trung bình 74 USD/thùng trong tháng 8 – cao hơn nhiều so với mức trần 60 USD/thùng.

G7 và các đồng minh đã gác lại các đánh giá thường xuyên về biện pháp trần giá đối với dầu Nga trong bối cảnh hầu hết dầu thô của Moscow đang giao dịch trên mức giá trần do giá dầu toàn cầu tăng, hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm 6/9.

Các nhà sản xuất Nga đã tìm ra cách bán dầu thông qua việc sử dụng ít tàu và dịch vụ bảo hiểm của phương Tây hơn, khiến phương Tây gặp khó khăn trong việc thực thi mức trần giá hiện tại vì các công ty hỗ trợ thương mại cho Moscow nằm ngoài thẩm quyền của họ.

Xem xét “khi phù hợp”

Nhằm siết chặt doanh thu của Moscow từ nhiên liệu hóa thạch, G7 cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt cơ chế giới hạn giá đối với dầu Nga từ tháng 12 năm ngoái, sau đó là trần giá nhiên liệu từ tháng 2 năm nay. Ban đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết, còn G7 sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả “việc thực hiện và tuân thủ”.

Tuy nhiên, G7 đã không đánh giá các mức trần giá từ tháng 3 năm nay. Nhóm này cũng chưa có kế hoạch ngay lập tức cân nhắc điều chỉnh cơ chế trên, theo nguồn tin của Reuters.

“Đã có một số cuộc đàm phán vào tháng 6 hoặc tháng 7 để xem xét lại hoặc ít nhất là thảo luận về vấn đề này, nhưng nó chưa bao giờ chính thức diễn ra”, một nguồn tin ngoại giao của Reuters cho biết.

Trong khi một số nước EU rất muốn xem xét lại trần giá, Mỹ và các thành viên G7 lại tỏ ra không mặn mà với việc thực hiện thay đổi, nguồn tin của Reuters cho biết.

Nhà máy lọc dầu thuộc nhà sản xuất dầu Gazprom Neft của Nga ở ngoại ô Moscow, tháng 4/2022. Ảnh: Getty Images

Các cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) diễn ra vào cuối tháng này có thể đóng vai trò là nền tảng không chính thức cho các cuộc đàm phán về mức giá trần.

Cơ chế trần giá cho phép các nước thứ ba mua nhiên liệu của Nga sử dụng bảo hiểm tàu phương Tây nếu có bằng chứng cho thấy hàng chất lên tàu được mua với giá không vượt quá giới hạn 60 USD/thùng đối với dầu thô, 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng đối với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel.

Ý tưởng này được Washington khởi xướng nhằm cắt giảm doanh thu của Moscow trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời tránh gián đoạn thị trường do lệnh cấm của EU đối với dầu Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả trần giá là một thành công của chế độ trừng phạt đa phương áp đặt đối với Moscow, với việc đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết hồi đầu tháng 8 rằng doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm gần 50% so với một năm trước.

Giao dịch trên mức trần

Nhưng giá dầu Brent chuẩn kỳ hạn đang giao dịch ở mức cao nhất trong năm nay ở mức trên 90 USD/thùng, khiến giá trị dầu thô toàn cầu, bao gồm cả dầu Urals của Nga, cũng tăng theo.

Bộ Tài chính Nga cho biết, giá loại dầu thô Urals hàng đầu của nước này đã phục hồi lên mức trung bình 74 USD/thùng trong tháng 8 – cao hơn nhiều so với mức trần 60 USD/thùng – và tăng từ mức trung bình 56 USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nga buộc phải cắt giảm xuất khẩu dầu và các sản phẩm ngay sau khi biện pháp trần giá của phương Tây được áp dụng do nước này phải vật lộn để tìm đủ tàu để vận chuyển toàn bộ sản lượng của mình.

Ngoài ra, gã khổng lồ Á-Âu đã tìm cách chuyển phần lớn hàng xuất khẩu của mình sang tay các chủ hàng nước ngoài trong nước hoặc không phải của phương Tây, vốn không yêu cầu bảo hiểm phương Tây.

Cảng dầu thô Kozmino trên bờ vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, ngày 12/8/2022. Ảnh: Forbes India

Reuters tính toán rằng ít nhất 40 đơn vị trung gian, bao gồm cả các công ty chưa từng tham gia vào hoạt động kinh doanh này, đã xử lý ít nhất 1/2 tổng lượng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay.

Trong khi phần lớn các tàu thuộc “hạm đội bóng tối” hiện đang được sử dụng để vận chuyển dầu Nga, các tàu phương Tây vẫn tham gia vào việc vận chuyển vì những sản phẩm này khó kiểm soát hơn, một nguồn tin trong ngành cho biết.

Theo dữ liệu của LSEG – nhà cung cấp dữ liệu và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính hàng đầu thế giới, dầu thô của Nga đã được giao dịch trên mức trần kể từ giữa tháng 7 và hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng tại các cảng dầu thô của nước này. Các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu nhiên liệu và dầu diesel cũng đã vượt mức giới hạn giá.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tuần này mức trần vẫn có hiệu lực vì nó đã giúp cắt giảm doanh thu của Nga. Ông cho biết G7 sẽ tiếp tục linh hoạt nhưng nói thêm rằng không có kế hoạch sửa đổi trần giá ngay lập tức.

Minh Đức (Theo Reuters, Upstream Online)