Thế giới

G7 chia rẽ về khung thời gian loại bỏ năng lượng than đá

Các nước thành viên G7 chưa tìm được tiếng nói chung liên quan đến đề xuất của Đức về mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030.

Ngày 26/5, các bộ trưởng môi trường thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Berlin, Đức nhằm thảo luận khung thời gian cụ thể để loại bỏ dần năng lượng than đá. Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng G7 về môi trường, khí hậu và năng lượng.

Đức, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G7 trong năm nay, đã đề xuất rằng trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng đặt ra mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030.

Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu khác và Canada, tuy nhiên một số quốc gia chưa thể hiện thiện chí với ý tưởng trên.

Phía Nhật Bản từ chối đưa ra cam kết về một khung thời gian nhất định cho việc loại bỏ dần nhiệt điện chạy bằng than, trong khi Mỹ cho biết sẽ thực hiện mục tiêu này vào những năm 2030.

Việc đặt ra khung thời gian nhất định để loại bỏ nhiệt điện chạy bằng than đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh Nga, quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2.

Các quốc gia G7 gồm Anh, Pháp và Italy đã áp đặt các biện pháp nhằm vào Nga liên quan đến sự kiện này và nhất trí giảm dần sự phụ thuộc năng lượng từ Moscow.

Các lệnh trừng phạt như vậy có thể làm chệch hướng nỗ lực cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính khi một số nước nhập khẩu năng lượng chuyển sang sử dụng than đá để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi nói rõ, Tokyo sẽ cắt giảm tỉ lệ than và dần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thay vì đặt ra một khung thời gian cụ thể.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến nghị G7 đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất thép và ximăng hầu như không có khí thải. Cơ quan này cho biết, ngành công nghiệp nặng tại các nước Nhóm G7 sử dụng tới 15% nhu cầu than đá và khoảng 10% dầu và khí đốt.

Trong diễn biến liên quan, G7 cũng đang đẩy nhanh việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sản xuất điện chủ yếu từ điện than sang năng lượng tái tạo.

G7 sẽ mở rộng khuôn khổ hỗ trợ đã được nhất trí tại Hội nghị khí hậu COP26. Bước đầu, G7 sẽ hỗ trợ Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Senegal. Nhật Bản và Mỹ dự kiến là những quốc gia tài trợ chính cho Indonesia, trong khi các thành viên G7 và Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò là đối tác.

Anh và EU sẽ là những nước hỗ trợ chủ lực cho Việt Nam, trong khi Mỹ và Đức hỗ trợ Ấn Độ. Số tiền hỗ trợ cho từng nước sẽ được thảo luận trong tương lai. Sáng kiến này cũng sẽ khai thác các quỹ và kế hoạch tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để sớm đóng cửa các nhà máy điện than ở Đông Nam Á.

Tại Hội nghị COP26 năm ngoái, các quốc gia, trong đó có Mỹ và Vương quốc Anh, đã cam kết cung cấp 8,5 tỷ USD để giúp Nam Phi đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái sinh và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Giờ đây, G7 muốn mở rộng sáng kiến này sang các nước đang phát triển khác.

Than tạo ra 37% nguồn điện cho thế giới nhưng cũng gây ô nhiễm nhất và phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Do đó, giảm bớt điện than than là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên, do giá rẻ và nguồn cung dồi dào, nhiều nước vẫn phụ thuộc nguồn năng lượng này

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)