Hồ sơ doanh nghiệp

FLC lại bị cưỡng chế gần 450 tỷ tiền thuế

Cục thuế Quảng Bình ra quyết định cưỡng chế hơn 448 tỷ đồng do Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp. Từ đầu tháng 8 đến nay, FLC đã bị cưỡng chế thuế tổng 874 tỷ.

Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC), bà Bùi Hải Huyền vừa gửi thông tin đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thông tin về việc tập đoàn này nhận được 3 quyết định từ Cục thuế tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, 3 quyết định được ban hành ngày 28/8 của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế thông qua việc trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của CTCP Tập đoàn FLC mở tại các Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh quận 1 (Tp.HCM); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).

Lý do Tập đoàn FLC bị cưỡng chế là bởi công ty này có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế lên hơn 448 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn FLC nhiều lần bị cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế về thuế. Cụ thể, ngày 18/8 Chi cục Thuế khu vực Tp.Sầm Sơn - Quảng Xương ra quyết định cưỡng chế với tổng số tiền 130,8 tỷ đồng. Ngày 30/3, Chi cục thuế khu vực Tp.Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định cưỡng chế, với tổng số tiền 124,8 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ đầu tháng 8 đến nay, FLC đã bị cưỡng chế thuế tổng cộng 874 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế nêu trên.

Hoạt động kinh doanh và đầu tư của FLC Group gặp nhiều thách thức kể từ sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán, dẫn đến những xáo trộn về nhân sự và chiến lược kinh doanh của tập đoàn.

Không chỉ bị ảnh hưởng đến một loạt dự án mà cổ phiếu FLC cũng chịu tác động đáng kể. Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM mới đây đã quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin.

FLC giảm hết biên độ, dư bán sàn 14,3 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 6/9. (Ảnh: FireAnt)

Trong văn bản mới đây của bà Bùi Hải Huyền gửi HoSE, vị lãnh đạo tập đoàn đã đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.

Tập đoàn cho biết đang nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 trong thời gian sớm nhất để tổ chức họp ĐHĐCĐ năm 2022. Tập đoàn này dự kiến cuộc họp tổ chức vào tháng 11/2022. Tập đoàn sẽ phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn và dự kiến phát hành, công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 12/2022. 

Tập đoàn FLC cho biết mong HoSE hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để tập đoàn thực hiện đúng lộ trình dự kiến, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, cổ đông và góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. 

Bên cạnh FLC, cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược HAI cũng nhận quyết định đình chỉ giao dịch tương tự từ ngày 9/9 và cổ phiếu ROS của FLC Faros đã ngừng giao dịch từ ngày 12/8.